Thủy sản Phương Nam hoàn vốn sau 6 năm

Thứ bảy, 17/11/2012, 13:12
Với dây chuyền, thiết bị hiện đại và công nhân sẵn có, Thủy sản Phương Nam lên kế hoạch hoàn vốn sau 6 năm nếu tái cơ cấu thành công. Doanh thu đến năm 2020 được dự báo lên đến trên 4.600 tỷ đồng.

Ngày 16/11 tại UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Phuong Nam Seafood) họp cùng lãnh đạo Hội sở các ngân hàng chủ nợ để trình phương án tái cấu trúc. Tổ xây dựng phương án gồm Ban giám đốc Phuong Nam Seafood với đại diện các ngân hàng chủ nợ, trong đó LienVietPostBank đóng vai trò tổ trưởng.

Công ty Phương Nam nợ 1.600 tỷ đồng. Đề án tái cơ cấu dự kiến hoàn vốn sau 6 năm 23 ngày và doanh thu đến năm 2020 đạt trên 4.500 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước
Công ty Phương Nam nợ 1.600 tỷ đồng. Đề án tái cơ cấu dự kiến hoàn vốn sau 6 năm 23 ngày và doanh thu đến năm 2020 đạt trên 4.500 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước

Theo đề án này, dù nợ 8 ngân hàng gần 1.600 tỷ đồng nhưng Công ty Phương Nam đưa ra kế hoạch góp vốn để tái cơ cấu khoản dư nợ 1.395 tỷ đồng sau khi trừ 200 tỷ đồng được xử lý dứt điểm bằng tài sản cố định ngoài nhà máy thủy sản nằm trong khuôn viên công ty tại TP Sóc Trăng. Từ đây, vốn điều lệ mới (chuyển từ dư nợ sang tham gia góp vốn) tăng lên trên 465 tỷ đồng. Trong đó thành viên HĐQT Huỳnh Phúc Quế sẽ đại diện một phần vốn góp do tổ chức tín dụng nào đó (chủ nợ) ủy quyền. Như vậy, dư nợ còn lại sau khi góp vốn chỉ còn 929,8 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả hơn 388 tỷ đồng (Agribank), nợ khoanh dự kiến 3 năm trên 541 tỷ đồng của VDB, LienVietPostBank, Vietcombank và Vinasiambank.

Cụ thể, Agribank lấy dư nợ tham gia góp vốn 50 tỷ đồng, VDB góp hơn 120 tỷ đồng; LienVietPostBank góp 128,5 tỷ đồng; Sacombank góp 86,9 tỷ đồng và ABBank góp 79,4 tỷ đồng.

Qua tính toán của các chuyên gia vạch ra lộ trình tái cơ cấu Công ty Phương Nam, với sự ổn định của nguồn nguyên liệu, trình độ công nghệ cao của đội ngũ nhân viên cộng với vị thế của Phuong Nam Seafood cùng với những điểm mạnh về thị trường và triển vọng của lĩnh vực xuất khẩu thủy sản thì bắt đầu từ năm 2013 công ty sẽ đạt tổng doanh thu thành phẩm trên 1.700 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế khoảng 80 tỷ đồng). Một năm sau đó tăng lên trên 2.800 tỷ đồng và đến năm 2020 sẽ đạt mốc hơn 4.566.000 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế trên 522 tỷ đồng) và hoàn vốn sau 6 năm 23 ngày kể từ khi tái cơ cấu thành công (trả nợ dứt điểm vào cuối năm 2018).

Công ty TNHH KM Phương Nam ở Kế Sách là công ty con của Công ty Phương Nam được đầu tư 320 tỷ đồng. Tại đây, VDB đã giải ngân cho vay từ gói ưu đãi được 175 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước
Công ty TNHH KM Phương Nam ở Kế Sách là công ty con của Công ty Phương Nam được đầu tư 320 tỷ đồng. Tại đây, VDB đã giải ngân cho vay từ gói ưu đãi được 175 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước

Nguồn tin VnExpress cho biết, trong những lần họp trước các ngân hàng chủ nợ của Công ty Phương Nam đa số đề nghị Agribank Sóc Trăng khoanh hai khoản nợ ngắn hạn và trung hạn (388 tỷ đồng) có lãi suất 10,5 – 12% (USD 3,5%) như các tổ chức tín dụng khác nhưng đơn vị này chưa đồng ý vì phải trình Hội sở quyết định. Vì vậy, phương án tái cấu trúc Công ty Phương Nam đang được tạm tính phần trả lãi cho Agribank.

Tại cuộc họp ngày 16/11, sau khi nghe Công ty Phương Nam trình bày đề án được cho là khả thi nhất để từ nay đến cuối năm 2012 phải tái cơ cấu xong, đã có 3 ngân hàng đồng ý góp một phần dư nợ, còn lại khoanh, giãn nợ 3 năm. Năm ngân hàng còn lại có một chuyển nhượng nợ cho nhà đầu tư mới, còn Agribank, Vietcombank, Vietinbank và Vinasiambank không góp vốn.

Theo ông Huỳnh Phúc Quế, hiện Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính cũng tham gia nắm bắt tình hình nợ nần của Công ty Phương Nam. Vì vậy, nếu tổ chức tín dụng nào muốn bán nợ thì công ty này sẽ xem xét, đánh giá để ký kết hợp đồng nhằm giúp Thủy sản Phương Nam sớm tái cơ cấu toàn diện.

"Ngân hàng được quyền góp vốn nhưng mỗi đơn vị không quá 11%, nếu vượt con số này phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Giám đốc mới của Công ty Phương Nam là ông Trần Văn Trí dự kiến góp vốn 20% so với vốn điều lệ. Sau khi tái cơ cấu, Công ty Phương Nam quyết tâm hoạt động tốt với công suất cao nhất để hoàn thành mục tiêu mà đề án đưa ra", ông Quế nêu quan điểm.

Thành viên HĐQT Công ty Phương Nam là ông Huỳnh Phúc Quế đã ký trình đề án tái cơ cấu doanh nghiệp để gửi đến các ngân hàng tham khảo. Ảnh: Thiên Phước
Thành viên HĐQT Công ty Phương Nam là ông Huỳnh Phúc Quế đã ký trình đề án tái cơ cấu doanh nghiệp để gửi đến các ngân hàng tham khảo. Ảnh: Thiên Phước

Tham dự cuộc họp bàn phương án tái cơ cấu Công ty Phương Nam, luật sư Nguyễn Hồng Lâm (được Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân ủy quyền phát ngôn) cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đồng thuận về mặt chủ trương, quan tâm kiến nghị Chính phủ và các ngành Trung ương tạo điều kiện cho Công ty Phương Nam tái cơ cấu nhanh vì mục đích an sinh xã hội, mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và tạo đầu ra sản phẩm cho hàng chục ngàn người nuôi tôm ở miền Tây.

“Sau cuộc họp này các ngân hàng chủ nợ sẽ xúc tiến việc ký kết các văn bản để thực hiện lộ trình tái cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng nào tham gia góp vốn sẽ cử đại diện tham gia HĐQT mới để công ty tiến hành đại hội cổ đông. Tùy theo cơ chế của mỗi tổ chức tín dụng và tình hình nợ nần nên có vài ngân hàng không tham gia góp vốn là điều bình thường”, ông Lâm cho biết thêm.

Thành lập vào năm 1998 với chức năng thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu. Trước yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm nên Phương Nam đầu tư thêm Công ty TNHH KM Phương Nam tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) với vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Cũng từ năm này, Thủy sản Phương Nam đạt sản lượng 7.922 tấn với doanh số trên 1.500 tỷ đồng và duy trì ổn định liên tục đến năm 2011 (1.544 tỷ đồng).

Trước khi có dấu hiệu lún vào nợ nần vào đầu năm nay, tổng tài sản của Công ty Phương Nam khoảng 1.427 tỷ đồng. Trong đó nhà xưởng, trang thiết bị trên 547 tỷ đồng; kho bảo quản, khu nuôi tôm, cá gần 186 tỷ đồng; bất động sản, phương tiện vận chuyển khoảng 400 tỷ đồng, tài sản khác trên 287,8 tỷ đồng. Với khối tài sản có giá trị và hiện đại này, Thủy sản Phương Nam có thể hoạt động hết công suất 50.000 tấn thành phẩm mỗi năm, duy trì thường xuyên cho gần 1.600 lao động và 500 công nhân thời vụ.

Nguyên nhân doanh nghiệp này lún vào nợ nần được cho là lạm phát cao làm chi phí đầu vào tăng. Lãi suất ngân hàng có lúc lên đến 21% trong khi giá bán cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có chi phí đầu vào thấp đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn thì một số ngân hàng giảm dư nợ vì thắt chặt tín dụng dẫn đến mất thanh khoản. Công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư vào tài sản cố định và tài sản không phục vụ sản xuất kinh doanh chính cũng là nguyên nhân làm cho Thủy sản Phương Nam mất cân đối so với tổng tài sản.

Thiên Phước

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn