Khởi điểm chịu thuế 9 triệu, cùng với mức giảm trừ 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc (thay vì 1,6 triệu đồng như hiện tại) nhận được khá nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 15/11 về Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân.
Đa số đại biểu nhất trí với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Lấy bối cảnh kinh tế khó khăn, đời sống người dân gặp nhiều áp lực, các đại biểu thống nhất cao về việc cần có giải pháp hỗ trợ, nhằm đảm bảo đời sống, an sinh xã hội. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Hải Dương), thậm chí còn đề nghị tiếp tục giảm thuế cho đối tượng là các chuyên gia, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm khuyến khích lực lượng lao động trình độ cao.
Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) cũng đề nghị điều chỉnh biểu thuế lũy tiến tối đa từ 35% hiện hành xuống còn 30%, đồng thời giãn các bậc thuế để tạo ưu đãi cho nguồn lao động sử dụng nhiều tri thức. Ông cũng đề nghị sửa điều khoản cho phép Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng biến động "trên 20%" thành "từ 20%" để có lợi hơn cho người nộp thuế. Ngoài ra, đại biểu này cũng kiến nghị áp dụng luật mới ngay từ 1/1/2013 nhằm đáp ứng sự chờ đợi của cử tri.
Cũng đồng tình với chủ trương giảm thuế, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng bên cạnh việc ưu đãi, cũng cần có giải pháp nhằm giám sát thu nhập người nộp thuế, chống thất thu từ những đối tượng mà Nhà nước không thể kiểm soát thu nhập. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp tích cực hơn trong việc giảm biên chế, tránh trường hợp "cứ nói giảm, nhưng biên chế ngày một phình to".
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, trong phiên thảo luận về Luật sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, cũng có một số ý kiến đại biểu chưa thật sự đồng tình với chủ trương giảm thuế. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu ra 4 lý do khiến ông cho rằng quyết định trên là chưa hợp lý.
Cụ thể, đại biểu này cho rằng nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh như trên, số người nộp thuế sẽ giảm từ 3,87 triệu xuống còn một triêu, tức là không đạt mục tiêu của ban đầu khi soạn thảo luật thuế, là tạo điều kiện cho ngày càng có nhiều người dân được thực hiện nghĩa vụ của mình. Ông cũng cho rằng mức giảm trừ hiện tại ở Việt Nam tương đương 1,7 lần GDP bình quân đầu người, đã là cao so với mặt bằng các nước trong khu vực.
Cũng theo tính toán của đại biểu, người có thu nhập 5 - 7 triệu đồng trong xã hội hiện nay chỉ phải nộp 50.000 - 150.000 đồng một tháng tiền thuế, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Trong khi đó, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh như dự kiến, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 5.200 tỷ đồng trong năm 2013 và 13.350 tỷ trong năm 2014. "Trong khi đó, còn rất nhiều công trình cần vốn để đầu tư", ông nói.
Không quyết liệt phản đối việc nâng mức giảm trừ nhưng theo đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) và Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng cho rằng phương án thuế mà Chính phủ đề xuất cần có thêm cơ sở khoa học, trình bày thêm các kinh nghiệm áp dụng tại nước ngoài để thuyết phục Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề xuất nên thực hiện đánh thuế trên toàn bộ thu nhập, thay vì chia ra các khoản chịu thuế, không chịu thuế như hiện nay, dễ dẫn tới gian lận.
Trước những ý kiến nêu trên, địa biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đã có những phân tích khá thấu đáo khi cho rằng kinh nghiệm thế giới cho thấy việc thu thuế thu nhập cá nhân trên thế giới phụ thuộc vào 3 điều kiện: trình độ kinh tế - GDP đầu người, khả năng kiểm soát thu nhập (để tạo công bằng) và phúc lợi xã hội.
Theo ông Lịch, ở Việt Nam hiện có tăng trưởng nhưng lạm phát cũng cao. Cơ quan quản lý cũng chỉ thu thuế được từ những người làm công ăn lương, bỏ lọt khá nhiều đối tượng nên dễ gây bức xúc. Thêm vào đó, các dịch vụ hiện đều trong quá trình xã hội hóa: bệnh viện, trường học, nhà trẻ đều phải đóng tiền... Do đó, khó có thể áp dụng, so sánh mức giảm trừ với các nước khác.
Từ những phân tích này, đại biểu đoàn TP HCM đồng tình với việc nâng mức khởi điểm chịu thuế. Theo ông, việc sửa đổi này có thể làm thay đổi tạm thời bản chất của luật nhưng điều này không quá quan trọng. Ông cũng đề nghị áp dụng luật mới từ 1/1 để đáp ứng chờ đợi của cử tri.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết đa số đại biểu tán thành với chủ trương của luật sửa đổi là nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 lên 9 triệu đồng, giảm trừ 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc, mặc dù còn có ý kiến chưa đồng tình, hoặc yêu cầu phân tích thêm. Riêng về thời điểm, theo tinh thần chung, Phó chủ tịch đề nghị áp dụng luật mới từ 1/7, vì nếu thực thi từ 1/1, ngân sách sẽ mất đi thêm 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong điều kiện khó khăn. Theo dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thông qua trong ít ngày tới.
Nhật Minh