Bà Bạch Diệp: Người ta đồn tôi nợ hàng tỷ đôla

Thứ sáu, 01/08/2014, 12:02
Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương khẳng định thông tin nợ gần trăm nghìn tỷ đồng ở trong và ngoài nước tới mức phải bán công ty là sai sự thật, và tài sản hiện nay đủ để trang trải các chi phí tài chính.

Bà Dương Thị Bạch Diệp trao đổi cho biết sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố đến hết 2012, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương nợ Agribank TP.HCM số tiền lên tới 3.700 tỷ đồng.

Cùng với khoản nợ như Kiểm toán công bố, tình hình nợ vay các ngân hàng của Công ty Diệp Bạch Dương hiện nay ra sao, thưa bà?

Tôi thiết nghĩ doanh nghiệp nào khi kinh doanh chân chính cũng cần có những khoản vay. Vay để mở rộng sản xuất kinh doanh, vay để đầu tư sinh lời. Khoản nợ 3.700 tỷ đồng được thông tin dồn dập những ngày qua, chúng tôi không có nghĩa vụ chứng minh hay trả lời.

Bên ngoài người ta còn đồn thổi trong suốt 8 năm qua rằng công ty chúng tôi nợ Agribank 10.000 tỷ đồng, nợ Sacombank 7.000 tỷ, An Bình 7.000 tỷ, Á Châu 10.000 tỷ, Vietcombank 10.000 tỷ và Phương Nam 10.000 tỷ. Nợ nước ngoài (Hàn Quốc) 742 triệu USD (khoảng 15.600 tỷ đồng). Thậm chí họ bảo công ty chúng tôi đã bán cho Hàn Quốc, ngoài ra còn bán cho nhiều tổ chức, cá nhân khác ở Việt Nam. Tôi khẳng định đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt.

Chúng tôi là công ty gia đình, không liên doanh, liên kết với ai, không bán bất cứ cổ phần nào. Hiện chúng tôi đang thực hiện 3 dự án tại quận 1 TP.HCM, đồng thời không nợ bất cứ khoản thuế nào của Nhà nước. Hơn nữa, giả sử công ty chúng tôi có đang mang khoản nợ như đã nêu, thì tài sản mà chúng tôi đang có dư sức để trả.

ba-Diep-top-7295-1406861554.jpg

Bà Dương ThBạch Diệp. Ảnh: MD

Những tài sản đó là gì vậy thưa bà, để có thể cáng đáng được các chi phí tài chính của công ty?

Chúng tôi có 6 dự án lớn tại TP.HCM, trong đó 4 dự án ở trung tâm quận 1, còn lại 2 dự án ở trung tâm quận 3. Riêng dự án Khách sạn 5 sao Senla đang trong thời gian hoàn thiện, dự kiến đưa vào khai thác đầu năm tới. Còn khu đất trên đường Lê Văn Hưu, quận 1, rộng 1.100m2 đang sử dụng làm trụ sở công ty và nhà hàng, chúng tôi sẽ giữ lại để làm dự án căn hộ và văn phòng cho thuê. Đồng thời cũng làm chỗ đi về cho gia đình sau này. Đây là một dự án cực kỳ giá trị.

Tổng tài sản trên giấy tờ của tôi hiện ước khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Còn doanh thu chính lâu nay là tiền từ cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân tôi, con gái tôi cho công ty mượn vốn để hoạt động.

Như vậy, với thông tin công ty tôi đang nợ Ngân hàng Agribank 3.700 tỷ đồng, so với tài sản của chúng tôi có trong và ngoài nước thì không thành vấn đề. Chỉ cần tôi bán một số dự án lớn là đủ để giải quyết. Bởi các tài sản của chúng tôi minh bạch, thuộc chủ quyền tư nhân, có vị trí đắc địa, sinh lợi cao. Với tài sản đó, rõ ràng mọi người đều nhìn thấy thì ai khẳng định rằng số nợ 3.700 tỷ đồng như báo chí đã đưa là khó thu hồi?

Bà dự định phát triển như thế nào với những dự án đang có?

Với tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, và thị trường bất động sản còn trầm lắng, chúng tôi sẽ bán một số dự án, mặc dù những dự án đó nằm ở những vị trí vô cùng đắc địa và có giá trị cao. Nếu tôi tiếp tục triển khai các dự án sẽ chịu rất nhiều áp lực, mặc dù các con tôi đang sống ở nước ngoài, cũng kinh doanh bất động sản và đã xây dựng được cơ sở vững chắc. Đó là một hậu phương để hỗ trợ cho công ty phát triển kinh doanh ở Việt Nam.

Chúng tôi đã có kế hoạch trong năm nay công ty sẽ bán bớt tài sản tại Việt Nam, giảm bớt biên chế để tôi được nghỉ ngơi. Các con và cháu tôi đều đã định cư ở nước ngoài, hiện nay chỉ có một mình tôi ở Việt Nam. Tôi dự định cuối năm 2015, sau khi đã giải quyết một số công việc ở Việt Nam xong, tôi sẽ qua định cư với các con ở nước ngoài.

Xin hỏi vì sao 6 dự án lớn những năm qua chậm triển khai?

Do khâu xin giấy phép quá nhiều thủ tục phức tạp. Thêm vào đó là hầu hết tài sản của tôi nằm trong quy hoạch khu trung tâm 93ha của thành phố, do vậy việc tiến hành bị chậm lại như tất cả các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nền kinh tế đi xuống đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai dự án, khiến nhiều dự án chúng tôi phải quyết định bán đi thay vì tiếp tục triển khai.

Khi nói đến chuyện nợ nần của Công ty Diệp Bạch Dương, chiếc siêu xe Roll Royce Phantom luôn bị đưa vào. Bà nghĩ sao?

Chiếc Rolls-Royce biển số 77L – 7777 là món quà của con trai, con gái và con rể mua tặng cho tôi. Số tiền tôi mua xe là của cá nhân gia đình tôi chuyển qua Công ty Diệp Bạch Dương tại Ngân hàng UOB để mua chiếc xe này. Hoàn toàn chúng tôi không hề vay Agribank đồng nào để mua xe, vì thời điểm chúng tôi giao dịch với Agribank là năm 2009. Thời điểm mua xe là ngày 23/11/2007 (xe về đến Việt Nam ngày 28/1/2008). Giá tiền mua xe lúc đó là 496.360 USD, thuế nhập khẩu và thuế trước bạ 882.092 USD, phí vận chuyển 10.000 USD.

Những lời đồn đại về chiếc xe với nhiều ác ý cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Họ đồn rằng tôi đổi 2 sân tennis để lấy biển số xe 77L-7777 của Bình Định. Điều này hoàn toàn sai sự thật. Nghĩa tình quê hương chúng tôi đồng ý tài trợ số tiền để xây dựng 2 sân tennis công khai chứ không phải để đánh đổi hay vì bất cứ lý do nào khác.

Sau đó, tỉnh Bình Định cấp cho chúng tôi biển số xe là do trùng hợp, vì thời điểm đó Bình Định bắt đầu ra 77L, ngày đó không bốc thăm, chúng tôi được xem bảng kê các biển số xe, chúng tôi đã tự lựa biển số này. Vì Bình Định là một tỉnh lẻ, ít xe nên việc xin cấp biển số đẹp cho một chiếc xe có giá trị cao cũng không có gì vi phạm như mọi người vẫn nghĩ và xuyên tạc.

Là phụ nữ điều hành kinh doanh gặp nhiều trắc trở, bà đối phó với áp lực thế nào?

Đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi phải là người chịu đựng búa rìu hết sức tỉnh táo mới sống được đến giờ này. Ngày nào tôi cũng nghe tin thất thiệt về mình và công ty. Ra sân bay, có người thấy tôi liền hỏi: Sao nghe nói bà chết rồi? Rồi thông tin tôi phải cầm cố tài sản vì làm ăn thua lỗ, bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài… Ngay như dự án Khách sạn Senla, khi cái hàng rào đã cũ bị đổ, tôi cho tháo dỡ làm lại, thì lập tức có tin tôi bị ngân hàng xiết nợ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM, dư nợ của Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương đến hết tháng 12/2012 là 3.700 tỷ đồng, trong số này nợ gốc là 2.968 tỷ đồng, tiền lãi 732 tỷ đồng.

Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương được thành lập vào năm 1985 do bà Dương Thị Bạch Diệp làm giám đốc. Công ty này sở hữu nhiều khu bất động sản có giá trị lớn ở TP.HCM.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn