Công ty nước mắm Khải Hoàn - hãng nước mắm nổi tiếng ở Phú Quốc, do bị áp mức chiết khấu cao sau một thời gian bán hàng vào chuỗi hệ thống siêu thị của Nhật tại TP.HCM, đã quyết định rút ra khỏi hệ thống này.
“Chúng tôi đã không còn bán hàng ở đây hơn nửa năm nay bởi họ liên tục tăng chiết khấu. Điều này khiến sản phẩm làm ra không bù đắp đủ chi phí”, đại diện công ty cho biết.
Không riêng Khải Hoàn, nhiều doanh nghiệp nước mắm khác khi vào siêu thị cũng phải chịu mức chiết khấu 10-20% trên doanh số bán ra. Vì vậy, có những đơn vị chỉ xuất hiện trên kệ chừng nửa năm là "mất bóng".
Cùng với các doanh nghiệp nước mắm, thủy sản cũng đang là nhóm ngành than phiền bị chèn ép. Theo phản ánh từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), để có mặt và trụ lại tại các siêu thị thì các doanh nghiệp thủy sản phải chịu nhiều thiệt thòi. Hàng năm, siêu thị liên tục đòi tăng mức chiết khấu và ép buộc nhiều khoản chi phí “có tên” hay “không tên” trong thỏa thuận thương mại.
Nhiều doanh nghiệp Thủy sản than phiền phải chịu mức chiết khấu lên tới 25% trên doanh số nếu muốn vào siêu thị. |
Mới đây, một số siêu thị nước ngoài đã gửi đề nghị tới các doanh nghiệp thủy sản tăng mức chiết khấu từ 0,75 đến 1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015, dù mức chiết khấu trước đó đã ở mức 10-25%. Chưa kể, các siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20 đến 35% so với giá bán của nhà cung cấp, làm cho giá bán của nhiều loại sản phẩm thủy sản trong siêu thị cao hơn so với các kênh bán lẻ, phân phối khác.
Ngoài việc tăng mức chiết khấu thì năm nay, một số siêu thị còn đòi các nhà cung cấp phải hạ mức doanh thu để được thưởng năm. Ví dụ, theo hợp đồng đã ký, để được thưởng, doanh số bán bậc một của siêu thị đạt 5 tỷ mỗi năm sẽ được thưởng 2%. Tuy nhiên đến quý III, siêu thị tính toán sẽ không đạt được mức doanh thu đó nên đòi doanh số bán bậc một hạ xuống còn 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số siêu thị còn đưa ra nhiều yêu sách đối với nhà cung cấp, đồng thời đề nghị tăng mức chi phí hỗ trợ các hoạt động thường xuyên như hỗ trợ cho lễ hội khách hàng: một cửa hàng tăng từ 6,2 triệu đồng lên 7 triệu; hỗ trợ sinh nhật: một cửa hàng từ 2,5 triệu lên 3 triệu đồng; hỗ trợ khai trương siêu thị mới cũng tăng từ 0,5% lên 1%...
Chưa kể, từ năm ngoái, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình khuyến mãi hay catalogue đã tăng lên 4-5% so với mức cũ là 3,65%; chi phí cho thương lượng chung cũng tăng từ 2% lên 3%, chi phí hàng tháng cho vận chuyển cũng tăng từ 3% lên 6%...
Với hàng loạt các yêu cầu đưa ra, nếu doanh nghiệp nào không chấp nhận thì siêu thị sẽ dọa cắt hợp đồng cung cấp hàng. Đối với các siêu thị trong nước, mức chiết khấu vẫn ở mức dễ chịu, cao nhất là 10%, nhưng ở các siêu thị nước ngoài, mức chiết khấu còn cao hơn nhiều, từ 10% đến 25% trên doanh thu.
Bên cạnh doanh nghiệp nước mắm, thủy sản thì các đơn vị kinh doanh nước giải khát, trái cây cũng chung cảnh ngộ khi chi phí sản xuất cao mà hàng bán ra với giá thấp dẫn đến thua lỗ và nhanh chóng bật khỏi siêu thị.
Giám đốc một nhãn hàng nước giải khát ở TP.HCM cho biết, ban đầu để vào được siêu thị, công ty phải đàm phán nhiều lần. Phía siêu thị sẽ là bên soạn hợp đồng, mức chiết khấu cho sản phẩm lên tới 10%. Tuy nhiên, qua mỗi năm siêu thị lại tăng chiết khấu một lần, đồng thời quy định mức doanh số cho sản phẩm chỉ được ở mức vừa phải (nhường chỗ cho các ngành hàng khác), nên chỉ sau hơn một năm doanh nghiệp không chỉ bị đánh bay ra khỏi siêu thị mà còn phải chịu thua lỗ.
Trao đổi với PV, đại diện một siêu thị ngoại ở TP.HCM cho biết, hiện nay thị trường cạnh tranh quyết liệt, số lượng doanh nghiệp cung ứng khá dồi dào nên để có được giá tốt nhất cho người tiêu dùng họ buộc phải đưa ra mức chiết khấu cao.
“Việc một vài doanh nghiệp bị đánh bật ra khỏi hệ thống là do họ ít được người tiêu dùng chấp nhận, giá cả cao. Nếu trong 10 doanh nghiệp cung cấp nước mắm chất lượng tốt, đạt yêu cầu thì để lựa chọn chúng tôi buộc căn cứ vào giá vì mục đích cuối cùng của siêu thị là đem đến cho người tiêu dùng giá cả hợp lý nhất”, đại diện siêu thị chia sẻ.
Đánh giá về tình hình trên, một lãnh đạo chuyên cung cấp thực phẩm cho tất cả các hệ thống siêu thị trên toàn quốc cho biết, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trở lại đây. Đối với các ngành hàng mà có đông đảo nhà cung cấp như: trái cây, nước giải khát, gia vị, hàng khô… luôn bị chèn ép.
Mức chiết khấu áp dụng cho các doanh nghiệp này tại siêu thị ngoại khá cao từ 5 đến 25%, còn siêu thị nội 5-10%. Ngược lại, đối với các mặt hàng khó sản xuất như trứng hay một số loại hải sản hiếm thì lại được các siêu thị săn đón nồng nhiệt và đưa ra mức thỏa thuận hợp lý vì lượng hàng luôn thiếu.
Do vậy, vị này khuyên, để đưa hàng hóa vào siêu thị, doanh nghiệp cần đảm bảo hàng hóa phải có chất lượng ổn định, sử dụng công nghệ xử lý an toàn; đảm bảo được điều kiện cung ứng; hàng hóa phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, để tránh phụ thuộc, doanh nghiệp cần tạo cho mình một thương hiệu riêng, đồng thời, phân phối ở nhiều kênh khác nhau.
Ngoài ra, cùng với thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng nên tạo một kênh xuất khẩu tốt để cân bằng thị trường, tránh hàng tồn kho.
Theo VNE