Chiết khấu thấp, đại lý đánh tiếng bán cây xăng

Thứ năm, 01/03/2012, 19:53
Nhiều đại lý xăng dầu đang đánh tiếng bán, cho thuê lại cây xăng khi mức chiết khấu dành cho các mặt hàng này từ doanh nghiệp đầu mối ở mức thấp trong nhiều tháng qua. Nhiều đại lý kêu đã chịu lỗ trong thời gian dài.


Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Thường, quản lý cây xăng Hoàng Nguyên (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho hay, hiện nhiều người bạn kinh doanh xăng dầu của anh đang thông báo bán cây xăng.

Lý do là các cây xăng làm ăn không lời lãi khi mức chiết khấu của tổng đại lý, doanh nghiệp đầu mối đối với mỗi lít xăng, dầu liên tục giảm. Có những thời điểm chỉ còn 150 - 200 đồng/lít.

Anh Thường tính toán, các đại lý mất hơn phân nửa số tiền chiết khấu cho việc vận chuyển xăng dầu từ kho về cây xăng. Số còn lại để trả lương nhân viên, quản lý, điện nước, vận hành bán hàng. Đó là chưa nói đến chi phí lãi vay ngân hàng.

“Tính ra, chủ cây xăng không còn lời lãi gì. Vì vậy, nhiều chủ cây xăng đang tìm cách bán lại. Họ kêu, bán lấy tiền đó gửi ngân hàng còn lời hơn”, anh Thường nói.
 


Các đại lý, doanh nghiệp xăng dầu đều than lỗ.

Ông Lê Thanh Mân, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cũng cho biết, hiện nay khi chiết khấu cho xăng dầu về mức 300 - 350 đồng/lít, nhiều đại lý phản ứng, đòi tăng hoa hồng, nếu không sẽ đóng cửa nghỉ bán để cắt lỗ.

Theo ông Mân, mức chiết khấu hiện nay quả là không thể mang lại lợi nhuận cho đại lý vì có rất nhiều chi phí để vận hành một cửa hàng như vận chuyển, nhân viên, điện nước, lãi vay ngân hàng, hao hụt. Việc tái đầu tư càng gần như không thể. Doanh nghiệp đầu mối biết, hiểu nhưng giữa lúc giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, giá trong nước bị kìm giữ thì không còn cách nào khác

“Tất nhiên, họ không thể đóng cửa vì kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện, không bán là bị phạt. Nhưng tình trạng này kéo dài đang gây khó khăn rất lớn cho chủ cây xăng. Hiện nay đã có hiện tương cho thuê lại hoặc đánh tiếng bán cây xăng”, ông Mân cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ đại lý, việc bán lại cây xăng không hề dễ dàng bởi giá bán khá cao, thường từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu đã qua rồi thời hoàng kim, không nhiều người dám mạo hiểm đầu tư.
 

Mua bán xăng dầu khu vực biên giới bắt đầu nóng lên

Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho hay, đến thời điểm này, khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn khá nhiều so với Campuchia, đã có dấu hiệu xuất lậu nhưng chưa nhiều, chưa rầm rộ như nhiều năm trước đây.

Theo ông Phong, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều người dân ở bên kia biên giới tăng số lượng mua hàng. Tuy nhiên, mục đích mua để sử dụng hay bán thì cơ quan chức năng không thể biết. Các lực lượng chức năng đang tăng cường theo dõi các cây xăng nghi vấn, các băng nhóm cũ để ngăn chặn kịp thời.

Cũng theo ông Phong, các cửa hàng xăng dầu đang nằm trong trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng nên có lẽ vì thế, tình hình xuất lậu cũng bớt căng thẳng.

Hiện nay, các cửa hàng xăng dầu ở Tây Ninh phải đáp ứng các tiêu chí về đo lường, về thời gian bán hàng. Đó là phải phải trang bị một bộ đo lường chuẩn ở nơi dễ thấy để người dân có thể đối chứng; niêm yết thời gian bán hàng. Khi kiểm tra, nếu thiếu một trong các tiêu chí trên, các cửa hàng sẽ bị phạt nặng theo quy định.

Tại tỉnh Đồng Tháp, khu vực có đường biên với Campuchia, tình hình cũng được đánh giá là khá yên ổn. Theo một doanh nghiệp đầu mối ở khu vực này, số lượng hàng bán cho cư dân biên giới, vốn sang Việt Nam mua xăng dầu có tăng lên nhưng chưa đến mức đột biến.


Theo TBKTSG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích