Thanh lọc nghiệt ngã?

Thứ năm, 01/03/2012, 14:39
Thị trường chứng khoán (TTCK) chắc chắn sẽ còn vương "dư âm chìm” bởi một thông tin khá sốc vừa được rộ lên khi số lượng doanh nghiệp bắt buộc phải hủy niêm yết trong năm nay tính ra đã lên tới 7 trường hợp. Điều này có nghĩa, tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ diễn ra khá phổ biến.



Thị trường chứng khoán chắc còn vương "dư âm chìm”

Điệp khúc thua lỗ

Chưa đến hạn cuối cùng để các công ty niêm yết hoàn tất việc nộp báo cáo kinh doanh cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng nếu điểm qua thông tin, hiện tại đã có 7 trường hợp có khả năng có bị hủy niêm yết bắt buộc. Trong đó gồm 4 trường hợp lỗ 3 năm liên tiếp là Nhựa Tân Hóa (VKP), Basa (BAS), Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP), Hàng hải Hà Nội (MHC); 3 trường hợp âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2011 gồm Cadovimex (CAD), Cà phê An Giang (AGC) và Tribeco (TRI).

Việc có bị hủy niêm yết hay không sẽ căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tuy nhiên sẽ có rất ít cơ hội để các doanh nghiệp này từ lỗ thành lãi. Trong khi đó mùa báo cáo năm 2010, chỉ có 2 trường hợp lỗ 3 năm liên tiếp là Full Power (FPC) và Vitaly (VTA). 

Như vậy, số lượng doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tiếp đã gấp đôi so với năm trước. Điều này cũng được nhìn nhận rất thực bởi TTCK Việt Nam hơn năm nay rơi vào tình trạng "hấp hối”, hoạt động khó khăn với lượng cổ phiếu phát hành trong năm 2011 chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, giảm 60%. Thanh khoản của thị trường ở mức thấp. Nếu như không có sự nâng đỡ của nhóm các cổ phiếu "bluechip” thì chỉ số VNIndex đã xuống. Đặc biệt trong các báo cáo kiểm toán quý nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khiến giá cổ phiếu dưới mệnh giá không thể phát hành được. Trong bối cảnh "con ốm mẹ mang bệnh”, nhiều công ty chứng khoán cũng làm ăn thua lỗ. 16 công ty chứng khoán niêm yết làm hụt đi 2.234 tỷ đồng. Có 3 công ty đã lỗ liên tiếp 2 năm 2010-2011 là Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán Hải Phòng (HPC) và Chứng khoán Sao Việt (SVS). Và dự kiến nếu tiếp tục lỗ trong năm nay thì các công ty này cũng sẽ rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh tài chính Việt Nam cho rằng, việc thanh lọc doanh nghiệp tham gia thị trường là điều phải làm gấp và làm ngay. Hiện có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá... Những doanh nghiệp này không đủ vốn pháp định niêm yết hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán.

Tuy nhiên điều đặc biệt nghiêm trọng là những cổ phiếu này thường được đầu cơ, thao túng giá cả và từ đó lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư tham gia. 

Ông Hải khẳng định, nói tái cấu trúc thị trường chứng khoán không cần đao to búa lớn, việc cần thực hiện là loại ngay những công ty niêm yết không đủ điều kiện khỏi bảng giao dịch. Dòng tiền nhàn rỗi đang đi lệch hướng vì lao vào cổ phiếu lởm. Đã đến lúc lập ra bảng giao dịch mới với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, tạo điều kiện hình thành thị trường trong sạch.

Và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp (DN), năm 2011 là một năm quá khó khăn. TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết với chi phí vốn khoảng 18-25% thì rất khó có một DN sản xuất nào có thể tồn tại. Không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thức của ngân hàng, DN phải "gò lưng” tiếp cận với tín dụng đen.

Năm 2011 DN huy động vốn qua TTCK quá khó khăn, hàng loạt cổ phiếu trở nên rẻ rúng, mệnh giá chỉ dưới 10.000 đồng. Khoảng 67% DN niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách. 

Bản thân nhiều doanh nghiệp có hoạt động nhưng khi xét trên góc độ hiệu quả kinh doanh cũng cho thấy khả năng sinh lời thấp.

Nhưng câu hỏi đặt ra, liệu tình hình kinh doanh này còn kéo dài nữa không?

Tình hình kinh tế năm 2012 vẫn được nhìn nhận khó khăn, mặc dù lạm phát có giảm nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát có thể quay lại bùng phát bất cứ lúc nào. Đặt trong bối cảnh kinh tế trong nước luôn chịu tác động ảnh hưởng từ bên ngoài thì chắc chắn doanh nghiệp vẫn còn nhiều gánh nặng. 

Một chuyên viên kiểm toán khẳng định, trong thời gian gần đây, báo cáo doanh thu của nhiều công ty sụt giảm nghiêm trọng. Và với điều kiện kinh doanh như hiện nay thì việc DN huy động nguồn vốn trong nước rất khó, nhất là thông qua việc bán cổ phiếu.

Theo ĐĐK

Các tin cũ hơn