Bài toán tín dụng: Phân khúc khách hàng?

Thứ năm, 01/03/2012, 09:52
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao theo từng nhóm cụ thể, mỗi ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch cũng như phân khúc khách hàng hỗ trợ vốn trong năm nay.



 

Nguồn vốn chủ yếu được dành cho lĩnh vực ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, nông thôn…), với kỳ vọng lãi suất giảm thêm.

Theo ông Bùi Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc MHB, với chỉ tiêu tín dụng năm 2012 vừa nhận được là 17%, Ngân hàng sẽ tập trung giải ngân cho DN sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các DN thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh lương thực; nuôi trồng, chế biến thủy sản; kinh doanh phân bón, cao su, bột mỳ… cũng sẽ được ưu tiên.

Với hạn mức tăng trưởng dư nợ còn lại trong năm nay chủ yếu MHB sẽ tập trung nguồn vốn một cách có hiệu quả cho hoạt động của các DN thuộc những lĩnh vực khác. Đồng thời, theo ông Hưng, MHB đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt khoản vay tái cấp vốn 3.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng nông thôn, các dự án nhà ở xã hội…

Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho biết, DongA Bank nằm trong nhóm 2, tức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%. Toàn bộ khoản tăng tín dụng này khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ được DongA Bank tập trung vào các DN sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Theo ông Bình, cũng như năm trước, DongA Bank hạn chế đối với tín dụng bất động sản, chứng khoán và sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2012 dự kiến 50.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 1.650 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm trước là 1.255 tỷ đồng, ông Bình cho hay, Ngân hàng sẽ không đẩy mạnh vốn để cho vay.

Bởi với mặt bằng lãi suất huy động 14%/năm, cho vay ra 16 - 16,5%/năm là không có lợi nhuận. Hiện số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thỏa thuận thấp 16 - 16,5%/năm chỉ chiếm 1 - 1,5% tổng dư nợ của DongABank.

Trên thực tế, áp lực lãi suất cho vay vẫn là rào cản lớn nhất đối với khách hàng trong việc tiếp cận vốn vay. Gần đây, một số nhà băng đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất đầu ra, nhằm kích hoạt tăng trưởng dư nợ. Song để vay được vốn giá rẻ không hẳn dễ cho những người cần vốn, ngân hàng chỉ ưu tiên cho một số đối tượng có chọn lọc.

Đơn cử như ở Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay được áp dụng là 14,5%/năm, nhưng chỉ dành cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và khách hàng xuất khẩu thanh toán qua Vietcombank.

Mặt bằng lãi suất cho vay đối với khách hàng DN dù đã được ưu đãi, song hiện vẫn dao động 17,5 - 19%/năm.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với DN luôn hiện hữu. Thế nhưng, với mặt bằng lãi vay còn ở mức cao, khách hàng ngại gõ cửa nhà băng khiến dư nợ tín dụng tăng chậm. Vì thế, nhu cầu về vốn ngoại tệ của DN, nhất là ở lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn cao, nhằm tránh áp lực lãi suất tiền đồng.

ACB cũng đã dành 100 triệu USD cho vay ưu đãi phục vụ xuất, nhập khẩu. Các DN có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, khi có nhu cầu bổ sung vốn lưu động để làm hàng xuất khẩu hoặc để thanh toán tiền hàng nhập khẩu sẽ được ACB tài trợ vốn với lãi suất USD dao động trong khoảng 4,2 - 4,8%/năm. Song theo ông Toàn, nguồn vốn này chỉ được tập trung rót vào các ngành như sản xuất - kinh doanh lúa gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép…

Lãi suất được kỳ vọng giảm dần trong những tháng tới khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng đã hoàn tất. Theo đánh giá của ông Toàn, khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phân loại theo 4 nhóm ngân hàng và thấp hơn năm trước sẽ là điều kiện tốt để giảm lãi suất. Bởi trong đó, có các ngân hàng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp sẽ không đẩy mạnh huy động vốn cho vay ra. Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay đi xuống, song nguồn vốn này cũng kén khách hàng.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn