CP ngân hàng liên tiếp tăng "khủng": Vì sao?

Thứ tư, 29/02/2012, 12:33
Tăng liên tiếp với khối lượng sang tay “khủng” là tình hình chung của các mã cổ phiếu ngân hàng trong 10 phiên trở lại đây. Điều gì đã hấp dẫn nhà đầu tư gom mạnh cổ phiếu ngành này nếu không phải vì cổ tức?


 Cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn nhà đầu tư
 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã CTG) đã thông báo chia cổ tức 2011 bằng cổ phiếu (CP). Nếu với các ngành khác, việc chia cổ tức bằng CP không được hoan hỉ đón nhận, nhưng thị trường chứng khoán lại xem đây là một thông tin “thêm điểm” cho CP của Vietinbank lúc này.

“Khát” CP nhà băng

Từ giữa tháng 2/2012 đến nay, thị trường dường như “khát” CP ngân hàng. Phiên giao dịch 28/2, dù giảm chỉ còn 5.700 đồng/CP, nhưng lại tiếp tục là một phiên bùng nổ giao dịch của CP HBB (Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội, sàn HNX), với khối lượng khớp lệnh lên đến 40 triệu CP. Đây là mức khớp lệnh “đỉnh” trong lịch sử giao dịch trên cả HoSE và HNX từ trước tới nay. Đáng nói là khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này trong 10 phiên trở lại đây đều trên 12 triệu CP, một con số cao chưa từng có trong lịch sử CP ngành ngân hàng.

Không chỉ riêng HBB, hàng loạt các mã CP ngành ngân hàng giữa tháng 2 đến nay đều trong tình trạng giao dịch “hoạt náo” hơn bao giờ hết. Như MBB (Ngân hàng cổ phần quân đội), VCB (Ngân hàng ngoại thương), EIB (Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam), SHB (Ngân hàng cổ phần Sài Gòn – Hà Nội), ACB (Ngân hàng Á Châu), STB (Ngân hàng Sài Gòn Thương tín)…

Chẳng hạn, trước 28/2, mã ACB đã có 7 phiên tăng điểm liên tiếp và số lượng CP sang tay trung bình trong 10 phiên gần đây cũng gần 900.000 CP/phiên. Tương tự, từ 16/2 đến 28/2, cứ 1 phiên tăng liên tiếp thì mã MBB sẽ có một phiên giảm điểm, và giao dịch trung bình của mã này từ đó đến nay gần 4 triệu CP/phiên, có lúc lên gần mức 8 triệu CP/phiên.

Nhìn vào biểu đồ giao dịch của hàng loạt mã CP và giá của những CP nói trên, có thể thấy, nhà đầu tư đã có những phiên chốt lời khi dư mua khủng. Chẳng hạn như từ 17/2 đến nay, EIB cứ 2 phiên tăng điểm lại có 1 phiên giảm điểm nhưng giá trị khớp lệnh mỗi phiên luôn đạt từ 2 – 4 triệu/CP. Với giá đóng cửa ngày 28.2, EIB ở mức 17.100 đồng/CP so với ngày 17.2 là 15.900 đồng/CP, mỗi CP tăng 1.200 đồng. “8 phiên, một CP tăng 1.200 đồng với khối lượng khớp lệnh lớn, chứng tỏ thị trường đang rất… chuộng loại CP này”, ông Nguyễn Anh Trung, một nhà đầu tư trên sàn HoSE, nhận xét.

Hiệu ứng thâu tóm?

Từ 2009 đến nay, các mã CP ngành ngân hàng dường như không tăng điểm và dừng chân sau khi trượt giảm mạnh vào năm 2009. “Nhiều mã đã quá rẻ so với giá trị thực của nó”, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, nhận xét. Chẳng hạn, VCB chào sàn vào 30.6.2009 với giá 60.000 đồng/CP, nhưng giá đóng cửa ngày 28/2 chỉ còn 27.500 đồng/CP dù trước đó đã có 7 phiên tăng điểm liên tiếp. Còn ACB đã giảm từ 130.200 đồng/CP vào tháng 11/2006 còn 23.300 đồng/CP ngày 28/2. CTG giảm từ 40.100 đồng/CP còn 25.100 đồng/CP ngày 28/2. HBB giảm từ 10.000 đồng/CP trong phiên đầu tiên 23/22/2010 còn 5.700 đồng/CP trong phiên hôm qua…

Với lợi nhuận khả quan, mục tiêu kinh doanh tốt, hàng loạt mã CP ngân hàng được cho là xứng đáng để nhà đầu tư bỏ vốn, nhưng tại sao chỉ sau khi có vụ Eximbank (EIB) công khai thâu tóm Sacombank (STB) thì CP ngành này lại bị tranh mua? Đứng trên góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Trung, cho rằng: “Hiện tôi không quan tâm đến cổ tức của các loại CP mà mình sở hữu, mà chỉ quan tâm tới thanh khoản của từng loại. Người ta đang mua nhiều thì tôi mua thôi”.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhìn nhận: “Thị trường chứng khoán phục hồi, các mã CP tốt đương nhiên sẽ được chú ý giải ngân. Nhưng, phải nói rằng, hoạt động sáp nhập, mua bán ngân hàng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến CP ngành này trong thời gian qua”.

Chuyên gia này cũng khẳng định, CP ngành này còn tiếp tục nóng trong thời gian tới, khi mà nhiều nhà đầu tư đang ngóng đợi các thông tin về hợp nhất, sáp nhập ngân hàng của NHNN. Còn một chuyên gia khác từ Stoxpluss, cùng cho rằng thực sự nhiều mã CP ngân hàng hấp dẫn về giá và cho nhà đầu tư “cơ hội kiếm lời”. “Một số mã thật sự hấp dẫn về giá và sở hữu lâu dài sẽ rất tốt”, ông này khẳng định.


Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn