Nỗi lo tội phạm khi phát triển casino

Thứ tư, 29/02/2012, 10:35
Vấn đề tội phạm tiềm ẩn sâu trong casino luôn làm đau đầu những nhà làm luật. Nên hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh sòng bạc hay không vẫn đang là mối quan tâm của nhiều nước.

Sau sự thành công về kinh doanh casino tại một số nơi thuộc châu Á như Singapore, Macau, Hong Kong…, nhiều nhà đầu tư sòng bạc đang nhắm tới thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và cả Việt Nam dưới hình thức kết hợp với khu nghỉ mát. Dòng khách du lịch và doanh thu từ casino sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP, điều này được xem là có lợi khi kinh tế toàn cầu đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng.



Nhiều nước châu Á đang muốn phát triển kinh doanh casino. Ảnh minh họa: Asiacasinos


Sức mạnh “đỏ đen” từ Macau và Singapore thu về lượng tiền khổng lồ đang đe dọa làm lu mờ đối thủ Las Vegas và được coi là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của casino châu Á. Thêm vào đó, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Philippines cũng được dự đoán sẽ trở thành trung tâm casino đình đám tiếp theo của châu Á do luật pháp cho phép người dân các nước này có thể chơi bài tự do.

Theo ông Jeffrey Jones, Chủ tịch hội đồng tư vấn Du lịch Hàn Quốc, lợi nhuận mà ngành du lịch nước này thu được từ các khu nghỉ mát kết hợp sòng bạc trong năm 2011 đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy vậy, con số ở khu vực bất hợp pháp vẫn lên tới 35 tỷ USD.

Ông Toru Muhara, Cố vấn Chính phủ Nhật, đồng thời là chuyên gia của Đại học Osaka cho biết, hiện cuộc tranh luận về việc liệu nước này nên hợp pháp hóa các hoạt động “may rủi” để giúp hồi sinh nền kinh tế đang nỗ lực đứng dậy sau thảm họa kép năm 2011 hay không vẫn là điểm nóng. "Dù vậy, chuỵện này sẽ sớm được công nhận, tất cả chỉ là vấn đề thời gian", chuyên gia này khẳng định.

Tuy nhiên, một khảo sát của Mỹ trên 2.631 người cho thấy, phạm vi bán kính 10 dặm (khoảng 16km) quanh một sòng bạc cho thấy casino ảnh hưởng đáng kể đến 90% người dân sống xung quanh và tâm lý các con bạc. Sau khoảng 3-4 năm, tỷ lệ tội phạm gia tăng mạnh khi các con bạc đã “cháy túi". Họ bắt đầu vay tiền từ gia đình, bạn bè cùng các mối quan hệ kinh doanh thường xuyên hơn và dần không trả được nợ.

Tội phạm là một trong những hệ quả tiêu cực nhất từ sự hiện diện của sòng bạc, Úc và Mỹ là 2 quốc gia điển hình từng trải qua tỷ lệ cá nhân vỡ nợ cao nhất trong lịch sử suốt một thập kỷ trước khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng là thách thức với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ khi mà chính quyền tại đây cho phép mở casino tại các đảo nhỏ.

Nhiều chuyên gia dự đoán sẽ phải mất khoảng vài năm để xác định kinh doanh casino ở một số quốc gia châu Á sẽ rơi vào kịch bản nào từng thấy tại các khu vực khác. Đây cũng là cơ hội để những nước mong muốn bước chân vào thế giới “đỏ đen” tìm hiểu cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế sòng bạc và hậu quả xã hội có thể xảy đến.


Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn