Nghe những “ông trùm săn osin” tiết lộ hậu trường

Thứ tư, 29/02/2012, 11:01
“Để người ta chịu bỏ ra tiền triệu làm lệ phí sử dụng lao động ban đầu đã khó, nhưng để giữ được chân họ với nghề osin còn khó hơn gấp bội lần”, một “ông trùm” chuyên tuyển osin cho biết.


Với mức thu nhập khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/tháng, nuôi ăn, ở, người giúp việc (osin) hiện đang được xem là công việc “mốt thời thượng” đối với lực lượng lao động phổ thông.
 
Tuy nhiên, theo quy định của nhiều trung tâm tư vấn - giới thiệu việc làm tại Hà Nội, trước khi nhận việc, osin cần nộp cho họ từ 750.000 đồng đến 1 triệu đồng lệ phí sử dụng lao động và chuyển thêm khoảng 500.000 đồng tháng lương đầu vào trung tâm làm thế chấp.

Không dễ nuốt trôi 1 triệu của osin

Quy định này chính là thứ tạo ra “nút thắt” khó có thể tháo gỡ giữa các trung tâm giới thiệu việc làm và người lao động dù chủ các trung tâm đó có cam kết sẽ trả lại số tiền thế chấp sau khoảng 6 tháng kể từ khi osin nhận việc.
 


 
Nhiều người muốn trở thành osin, nhưng không muốn mất đi khoản phí
ban đầu. Ảnh minh họa

 
“Thuyết phục thế nào để người lao động hiểu rõ sự tình, chịu bỏ ra cả gần 1 triệu đồng ban đầu làm lệ phí sử dụng lao động đã khó, nhưng để giữ được chân họ với nghề osin lâu dài còn khó gấp bội lần”, một người “kì cựu” trong việc tuyển dụng osin tại Hà Nội cho biết.
 
Không ít người lao động muốn trở thành osin tỏ ra lo ngại khi đọc các quy định về nhận người lao động  mà mỗi trung tâm đề ra. Chẳng hạn, có trung tâm quy định: “Nếu người lao động làm việc chưa quá 15 ngày vì một lý do nào đó (gia đình không đồng ý hoặc người lao động không thích ứng được với công việc) thì gia đình đưa người lao động về trung tâm để thanh toán tiền công những ngày người lao động làm việc và văn phòng trung tâm không thanh toán trực tiếp cho người lao động”.
 
Một trung tâm khác trên địa bàn Hà Nội lại quy định: “Trường hợp người lao động đã làm được 15 ngày thì tiến hành thanh lý hợp đồng trừ chi phí 63.000 đồng/nửa tháng (1 tháng = 125.000 đồng), gia đình đóng thêm tiền làm phiếu mới (phiếu xin đổi công việc) có giá trị 6 tháng”.
 
Chính vì khoản phí ban đầu khá cao và những quy định ngặt nghèo như vậy mà giờ đây, việc tuyển dụng osin ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi người tuyển dụng cần có những “kĩ nghệ săn osin” hoặc những độc chiêu trong việc tuyển dụng đối tượng lao động này.



Nhiều osin "bỏ của chạy lấy người" không lâu sau khi nhận việc. Ảnh minh họa


Theo tiết lộ của ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam - người từng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, cung cấp osin cho các hộ gia đình ở Hà Nội mặc dù có tới 90% osin tại trung tâm của ông là do địa phương gửi lên, nhưng trung bình 1 ngày vẫn có khoảng 5 người bỏ việc, 1 tháng khoảng 30% osin từ bỏ công việc hiện tại của họ.

“Nếu so với 10 năm về trước, con số này chỉ là 5%. Không chỉ có phụ nữ mới đi làm osin, hiện nay, nhiều đấng mày râu cũng kiêm nhiệm luôn cả công việc này, nhưng con số đó chỉ chiếm khoảng 5% tổng số người giúp việc trên địa bàn Hà Nội”, ông Hải nói thêm.
 
Ông Hải khẳng định: “Thế giới này không thể thiếu osin được, nhưng tìm được một osin ưng ý không phải là điều dễ dàng”.

Gian nan “săn” osin
 
Ông Hải cho biết, trong việc tuyển dụng osin, cái khó nhất vẫn là làm thế nào để thay đổi được tư tưởng, quan niệm của người lao động. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng đi làm giúp việc không phải là một nghề ‘sang trọng’. Thậm chí, họ còn cảm thấy xấu hổ nếu làm công việc của một osin chứ không có cảm giác lao động là vinh quang như Bác Hồ từng nói. Do vậy, ‘công tác tư tưởng’ đóng vai trò rất quan trọng.
 



 
Một trong những kĩ nghệ "săn" osin là phải làm công tác tư tưởng với họ
ngay từ lúc đầu. Ảnh minh họa

 
Trong khi đó, ông Bình, Giám đốc một công ty khác chuyên “cung cấp” osin cho hay, người lao động phục vụ cho các gia đình thường làm việc không ổn định, chỉ coi osin là công việc tạm bợ, thử cho biết hoặc làm thêm trong thời gian chờ một công việc khác tốt hơn.
 
“Do vậy, chúng tôi yêu cầu gia đình của họ cùng kí vào bản hợp đồng lao động, cam kết với công ty. Đặc biệt, chúng tôi không khuyến khích việc chủ nhà tự ý thanh toán tiền công hàng tháng trực tiếp cho osin hoặc thanh toán tiền công trước ngày công ty quy định. Ngoài ra, công ty có những mức phạt riêng đối với những đối tượng như vậy để ràng buộc, răn đe họ”, ông Bình nói.
 
Còn theo ông Hải, khó khăn thứ 3 đó là thực tế ở nông thôn bây giờ cũng có một số địa phương được nhiều doanh nghiệp ‘để mắt tới’. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn về tận địa phương để tuyển dụng nhân lực, tận dụng hết nguồn nhân công này. Do vậy, số thanh niên, phụ nữ trẻ tìm đến các trung tâm ở Hà Nội tìm việc rất ít. Điều này khiến thủ đô đôi lúc bị ‘cháy’ osin, đặc biệt trong những ngày trước và sau Tết vừa qua.
 
Để giải quyết vấn đề này, ông Hải cho biết, trung tâm của họ đã cử nhân viên về “kết thân” với lãnh đạo địa phương, nhờ họ tích cực giới thiệu nguồn lao động đáng tin cậy cho mình. Đây cũng là cách tốt nhất để kiểm tra xem thân nhân, quá khứ của người lao động có vấn đề gì không.
 
Nhấn mạnh đến yếu tố then chốt trong việc tuyển osin, giám đốc của một trung tâm khác nhấn mạnh: Người giúp việc muốn làm lâu dài, gắn bó với nghề phải có những “phẩm chất” như có trách nhiệm bảo vệ tài sản nơi mình làm việc; Thật thà, liên khiết, không gian tham của người khác; Biết sử dụng bếp gas, bàn là, máy giặt, các hệ thống điện sao cho an toàn, biết dọn vệ sinh trong nhà, sử dụng thành thạo chổi ‘của thành phố’, máy hút bụi…. cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt khác nữa của người thành phố.
 
Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng nên yêu cầu người lao động cam kết tuân thủ một vài trong số các quy định sau: Hoàn thành mọi công việc được phân công; Không giữ tiền riêng ở nơi làm việc, tránh nhầm lẫn; Trong giờ làm việc không được đưa bạn đến chơi làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc; Trước khi ra về cần để chủ nhà kiểm tra hành lý; Bên cạnh đó, trong sinh hoạt, osin cần phải “khiêm tốn”, chỉ sử dụng đồ trong gia đình khi được sự cho phép của gia chủ.

 

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn