Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/2

Thứ tư, 29/02/2012, 08:39
Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến của thị trường trong ngày 29/02/2012.


Thị trường quay trở lại trạng thái điều chỉnh khi kết thúc  phiên giao dịch 28/02/2012 chỉ số VN Index giảm 6.19 điểm (1.44%) xuống 422.22 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 121.715 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch 1726 tỷ đồng.

Tương tự chỉ số HNX Index giảm 2.07 điểm (0.43%) xuống 67.09 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 135.7 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 1020 tỷ đồng.



Công ty chứng khoán FPT khuyến nghị, không nên tiếp tục mua vào để tránh rủi ro.
 

Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV
Giữ nguyên bậc tăng đối với xu hướng trung hạn

Thị trường tăng nhẹ ở đầu phiên, tuy nhiên về cuối phiên áp lực bán mạnh dần về  khiến cả 2 sàn chuyển sang giảm mạnh. Sự phân phối diễn ra sau một chuỗi ngày tăng điểm mạnh cũng là 1 điều hết sức bình thường.

Lực cầu giá thấp và lực cung chốt lời liên tục gia tăng trong thời gian gần đây cho thấy mức độ quan tâm đối với thị trường chứng khoán đã trở lại như những thời kỳ tăng giá trước đó. Mặc dù giảm điểm mạnh bởi lượng chốt lời, tuy nhiên bên mua vẫn tiếp tục lựa chọn cổ phiếu hoặc gom hàng giá thấp khiến một số mã chỉ giảm nhẹ hoặc vẫn tăng mạnh như JVC, CNG, HHS…v v

Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 28/02/2012 đóng cửa với diễn biến suy giảm đối với cả 2 sàn kèm khối lượng gia tăng rất mạnh. Đây là dấu hiệu cảnh báo khả năng phân phối đỉnh ngắn hạn nếu như phiên giao dịch ngày mai vẫn tiếp tục giảm. Do đó chứng khoán Woori hạ bậc xu hướng ngắn hạn xuống mức giảm, tuy nhiên vẫn giữ nguyên bậc tăng đối với xu hướng trung hạn. Việc cơ cấu lại danh mục đầu tư vẫn là sự lựa chọn hợp lý trong những phiên sắp tới.



Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect
Khuyến nghị chốt lời cổ phiếu tăng nóng bên HNX và nắm giữ cổ phiếu trên HSX

Đóng cửa phiên 28/2, hai chỉ số giảm điểm tạo nến đen dài với khối lượng lớn. Nhịp điều chỉnh này đã được chúng tôi cảnh báo trong các bài nhận định gần đây, đi kèm với khuyến nghị hạn chế mua đuổi vì rủi ro T+ cao. Các mã tăng nóng trong giai đoạn vừa rồi, bất kể sàn HSX hay HNX hầu hết bị bán về giá sàn cho thấy lực chốt lời mạnh. Điều này cũng khá dễ hiểu khi mà đa số những mã này đã tăng trên 50% trong hai nhịp tăng vừa rồi.

Chúng tôi không cho rằng phiên 28/2 là phiên phân phối đỉnh và nhịp tăng của thị trường đã kết thúc. Đây chỉ là nhịp nghỉ của thị trường để tích lũy thêm dòng tiền và nhịp điều chỉnh này có thể sẽ kéo dài hơn so với nhịp điều chỉnh từ 10/2 đến 14/2.

Khuyến nghị chốt lời cổ phiếu tăng nóng bên HNX và nắm giữ cổ phiếu trên HSX cho đến khi xuất hiện hiện tượng bán tháo đã được chúng tôi gửi đến quý vị trong các bản tin trước. Quyết định giải ngân trở lại sẽ được tính đến nếu lực cầu thị trường các phiên tới thể hiện tốt, đà giảm dịu dần.



Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT
Không nên tiếp tục mua vào để tránh rủi ro T+4

Dòng tiền vào thị trường sau khi phát tín hiệu ủng hộ cho xu thế tăng trung hạn trong các phiên giao dịch trước đã nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co. Bất chấp sức cầu vào thị trường vẫn khá dồi dào, áp lực bán không ngừng gia tăng tại nhóm cổ phiếu đầu cơ và bluechips cho thấy tâm lý đầu tư đã bắt đầu có sự giao động mạnh. Nhà đầu tư ngắn hạn không còn duy trì được sự hưng phấn cần thiết và thay vào đó là trạng thái thận trọng, ngại rủi ro khi VN-Index tiến đần lên các ngưỡng kháng cự mạnh trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, những kỳ vọng của nhà đầu tư vào thông tin hỗ trợ tích cực cũng đã phần nào phản ánh được vào diễn biến của VN-Index trong nhịp tăng điểm vừa qua. Vì vậy, nếu không có sự suất hiện của những yếu tố tích cực đủ mạnh thì khả năng cao sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn để kiểm tra lại xu thế chính của VN-Index.

Mặc dù thị trường đã tạo lập mặt bằng giá mới quanh ngưỡng 400 điểm nhưng rủi ro VN-Index có thể điều chỉnh giảm về khu vực 390 – 400 điểm vẫn cần được đặc biệt lưu ý. Phiên giao dịch tiếp theo, nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường và không nên tiếp tục mua vào để tránh rủi ro T+4.

 

Misa (TH)

Các tin cũ hơn