Nhóm 3, 4 : Bí mật…vẫn lộ

Thứ ba, 28/02/2012, 11:44
Nhóm 3 và 4 tuy không công bố nhưng những gì các ngân hàng khác đang “hoan hỷ” quảng bá cũng khiến nhóm “im hơi lặng tiếng” này dần lộ diện.



 

Trong tuần vừa qua, hầu hết các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17% và 15% (nhóm 1 và 2). Nhóm 3 và 4 tuy không công bố nhưng những gì các ngân hàng khác đang “hoan hỷ” quảng bá cũng khiến nhóm “im hơi lặng tiếng” này dần lộ diện.

Tìm ngân hàng nhóm 3,4: Phép loại trừ

Trong tuần qua, danh sách các ngân hàng thuộc nhóm 1 và 2 được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa ở mức 17% và 15% đã lần lượt công bố. Trong đó có Ngân hàng Eximbank, SeaBank, ACB, Maritime Bank, VPBank (Ngân hàng Việt Nam Thinh vượng), MB (ngân hàng TMCP Quân đội) , VIB (ngân hàng Quốc tế). Sacombank sau nhiều lình xình giữa các cổ đông, cuối cùng cũng nằm trong Top nhóm 1.

Các ngân hàng nhóm 2 cũng công bố chính thức trên các phương tiện đại chúng, như Nam Á Bank, Đại Á, Nam Việt, KienLong Bank, Agribank, SHB, Liên Việt Post, Đại Tín, Phương Nam (Southerbank), Phương Đông (OCB), SCB (ngân hàng TMCP Sài Gòn), An Bình, Mê Kông…

Như vậy những ngân hàng còn lại có lẽ cũng đã nhận được thông báo phân hạng của NHNN. Sự im lặng của các ngân hàng nhóm 3 và 4 đều có thể thông cảm được. Bởi lẽ, trong lúc “thóc cao, gạo kém”, thanh khoản yếu, khách hàng không mặn mà thì cái “trát” phân hạng của NHNN chẳng khác nào buộc thêm đá vào cổ.

Các đây không lâu, lãnh đạo của NHNN cũng hé lộ, có 8 ngân hàng thuộc nhóm 4. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng từng nói, sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng trong quý I/2012.

Điểm mặt những ngân hàng im tiếng có thể nhận thấy còn có ngân hàng Habubank (ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội), NH TMCP Đại Tín (Trustbank), GPBank (ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu), Tien Phong, Đông Á, Saigonbank (ngân hàng Sài Gòn Công Thương), HDBank, SCB (ngân hàng TMCP Sài Gòn), Oceanbank (ngân hàng TMCP Đại Dương)…

Hầu hết các ngân hàng trong nhóm 1,2  công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2011. Trong nhóm 3,4 vẫn còn lác đác chưa công bố.

Trong những ngân hàngtrên, Habubank là ngân hàng đầu tiên tuyên bố lỗ nặng trong quý IV/2011 khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2011 Habubank bị giảm tới 45% so với cùng kỳ.

Ngược lại, ngân hàng ACB lại công bố thu nhập lãi thuần trong quý IV/2011 tăng vọt 48%, đẩy lợi nhuận sau thuế cả năm tăng hơn 36% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TienPhong tuy chưa có thông tin gì về phân hạng nhưng cũng đã công bố thông tin Tập đoàn DOJI đã trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.

Theo TienPhong Bank, sự tham gia của DOJI và các cổ đông khác chắc chắn sẽ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị của TienPhong Bank. Như vậy, khả năng TienPhong Bank sẽ tự cứu được mình trước nguy cơ phân loại và sáp nhập.

Cần giám sát không chỉ nhóm 3,4

Dù NHNN không công bố danh sách nhóm ngân hàng loại 3,4 nhưng cách thức công bố được giao chỉ tiêu tín dụng của nhiều ngân hàng khác khiến tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng không ít.

Nhiều khách hàng khi được hỏi, an tâm gửi tiền vào ngân hàng nào nhất, đa số họ đều mong muốn giao tiền cho ngân hàng có “bảo hành”

Cũng nắm bắt được tâm lý này, chỉ chờ NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng ngay lập tức tăng tốc chiến dịch  mở rộng quy mô, quảng bá rầm rộ, hòng tranh thủ chớp thời cơ giành thị phần nhóm “cầm đèn đỏ”.

Một khách hàng tại điểm giao dịch chi nhánh ngân hàng T  khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, NHNN không công bố nhưng cũng đã có  danh sách nhóm ngân hàng yếu không được giao chỉ tiêu. Khoản tiền gần 1 tỷ của khách hàng này đã được dịch chuyển sang một ngân hàng lớn thuộc nhóm 1.

NHNN đã từng nhắc lại quan điểm rằng, sẽ đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng. Quá trình tái cấu trúc của NHNN kéo dài trong 5 năm tới sẽ không để ngân hàng nào chịu cảnh đổ vỡ, có chăng sẽ là những cuộc sáp nhập nhằm tạo ra những ngân hàng mạnh hơn.

Chỉ thị 01/CT-NHNN cũng nêu rõ sau 6 tháng thực hiện phân nhóm, giao chỉ tiêu tăng tăng trưởng tín dụng, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều này cho thấy, nhóm “cầm đèn đỏ” vẫn có cơ hội và nhóm 1,2 vẫn có nguy cơ phải “cầm đèn”. Như vậy, người dân đang bị chi phối không phải bởi hoạt động yếu kém của ngân hàng mà do phần nhiều từ áp lực từ việc “rùm beng” giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Bởi nếu gửi tiền nhóm 1,2, nhưng sau 6 tháng một trong số những ngân hàng này chẳng may phải “cầm đèn đỏ”, thì quả là lo cũng bằng thừa.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, phân nhóm ngân hàng là việc cần làm. Bên cạnh đó vẫn phải có tiêu chí giám sát rõ ràng. Kiểm soát đối tượng cho vay của ngân hàng để đảm bảo cho vay đúng với chủ trương của NHNN là tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu.

Trong trường hợp nếu có sự canh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhóm ngân hàng, NHNN cũng cần có biện pháp xử lý.

Theo Vnmedia

Các tin cũ hơn