Nhìn lại "thế trận" hàng không Việt Nam

Thứ ba, 28/02/2012, 10:29
Vietnam airline và Jetstar không còn là đối thủ của nhau nhưng với các hãng hàng không còn lại như VietJet Air và Air Mekong, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Bởi đối thủ của họ sẽ là “người khổng lồ” được hợp sức bởi hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

 

Tổng công ty hàng không Việt Nam đã chính thức tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Jetstar Pacific Airlines (JPA) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

 


Vietnam Airlines đã 'bự" nay còn "bự hơn".
 
 
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước tại Jetstar Pacific Airlines, trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 69,93%. Tập đoàn Qantas của Australia, công ty mẹ của tập đoàn Jetsar, là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ vốn góp 27%. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ bán cho Qantas Airways 3% cổ phần theo thỏa thuận trước đây.
 
Đứng trước ý kiến cho rằng Jetstar sẽ trở thành 1 “VNA con”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Về cơ bản, JPA vẫn được coi là hãng hàng không độc lập với VNA. Vì quyền và nghĩa vụ của cổ đông Nhà nước tại JPA được chuyển giao nguyên trạng từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sang VNA.
 
Một cơ sở nữa để khẳng định tính độc lập này chính là sự khác nhau về đối tượng khách hàng, mô hình và phương thức hoạt động giữa VNA và JPA. Hơn nữa, JPA là hãng hàng không có vốn nước ngoài, nhà đầu tư Qantas nắm 27% cổ phần (sắp tới tăng lên 30%) có quyền phủ quyết ở mức độ nhất định nên sẽ khó xảy ra tình trạng JPA là một “VNA con”.
 
Tính cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa sẽ giảm mạnh sau khi VNA và JPA không còn là đối thủ của nhau. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: Việc sắp xếp  theo hướng này sẽ đặt JPA vào vị thế không còn là đối thủ của VNA. Tính cạnh tranh giữa hai hãng hàng không giảm mạnh. VNA trở thành người chi phối, các quyết định của JPA sẽ phải phụ thuộc vào VNA.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, khi JPA chuyển từ vị thế đối thủ sang vị thế đối tác của VNA sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi trên thị trường hàng không nội địa và ngay trong công tác hoạch định chính sách của cơ quan quản lý. Đơn cử như việc trước đây, JPA rất kiên trì mục tiêu đòi hỏi tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng và các khuyến khích cần thiết cho các hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn” phát triển.
 
Cụ thể là tiên phong lên tiếng đề nghị tách khâu cung cấp xăng dầu khỏi VNA, tạo điều kiện để các hãng hàng không mới được tự cung cấp một số dịch vụ liên quan… Và cũng chỉ JPA mới “đủ tầm” lên tiếng trước hiện tượng VNA khuyến mãi khủng đẩy các hãng hàng không khác vào cảnh không giảm theo thì vắng khách nhưng “đua” giảm giá thì không đủ tiềm lực tài chính.
 
Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi chính sách vé rẻ cùng với tần suất khai thác cao của JPA đã tạo ra những đợt khuyến mãi sôi động. Cả VNA và JPA đều phải “canh” giá qua các đại lý để kịp thời tung ra loại vé  cạnh tranh hơn với mục đích lấp đầy ghế trên các chuyến bay của những tuyến cả hai hãng cùng khai thác.
 
Trong bối cảnh hiện nay VNA và JPA không còn là đối thủ của nhau nhưng với các hãng hàng không còn lại đang tham gia thị trường là VietJet Air và Air Mekong, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Bởi đối thủ của họ không chỉ là VNA, là JPA như trước đây mà sẽ là “người khổng lồ” được hợp sức bởi hai hãng hàng không lớn nhất VNA và JPA.

Theo Tầm Nhìn

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn