ảnh internet
Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), trong tuần đến ngày 21/2 đã có 1,03 triệu hợp đồng đặt cược cho giá hàng hóa tăng, cao hơn 7,3% so với tuần trước đó và là lần đầu tiên đạt con số trên 1 triệu bởi triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa. Tiền đổ vào vàng đạt mức cao nhất trong 5 tháng trong khi đầu tư vào dầu thô nhiều nhất kể từ tháng 5/2011.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI theo dõi giá hàng 24 hàng hóa nguyên liệu thô đã chạm mức cao nhất 9 tháng hôm 24/2 và vừa có tuần tăng ấn tượng nhất 2 tháng khi niềm tin tiêu dùng và doanh số bán nhà mới xây ở Mỹ tốt hơn dự kiến. Giá tăng còn nhờ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu được cải thiện sau khi các nhà lãnh đạo khu vực thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ Euro cho Hy Lạp để ngăn chặn thảm họa vỡ nợ. Động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất thế giới- hôm 18/2 cũng thắp lên niềm tin cho nhà đầu tư.
Có 16 trong số 24 hàng hóa đã tăng giá trong tuần qua, dẫn đầu là các kim loại công nghiệp, trong đó chì tăng 8%, nhôm tăng 7,5% và kẽm có thêm 6,9%.
Michael Strauss, nhà quản lý quỹ đồng thời là giám đốc chiến lược đầu tư của quỹ Commonfund có tài sản 27 tỷ USD nhận xét, những gì đang diễn ra của nền kinh tế là rất tích cực và điều đó sẽ hỗ trợ cho giá hàng hóa tăng.
Đầu tư vào dầu thô tuần qua tăng 11% lên 259.162 hợp đồng – cao nhất kể từ ngày 3/5. Giá dầu WTI lên sát 110 USD/thùng lần đầu tiên trong 10 tháng bởi căng thẳng giữa Iran và phương Tây quanh vấn đề hạt nhân. David Rosenberg, kinh tế trưởng của Gluskin Sheff & Associates Inc cho rằng, chi phí nhiên liệu cao hơn là rủi ro của nền kinh tế Mỹ.
Đặt cược vào vàng tăng giá đã tăng 9,9% lên 179.132 hợp đồng – cao nhất kể từ ngày 13/9. Nắm giữ vàng của các quỹ thiết lập mức đỉnh 2.396,9 tấn hôm 24/2, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.
Đầu tư vào 11 hàng hóa nông sản tăng 6,6% trong tuần qua lên 483.576 hợp đồng – cao nhất kể từ tuần đến ngày 8/11. Đầu tư vào đậu tương tăng 20% lên cao nhất từ tháng 9, trong khi vào gia súc tăng 11% lên cao nhất 14 tuần.
Theo dữ liệu của công ty theo dõi hoạt động của các quỹ EPFR, trong tuần đến ngày 22/2, nhà đầu tư đã đổ thêm 571 triệu USD vào các quỹ hàng hóa. Dòng tiền chảy vào vàng và kim loại quý chiếm 210 triệu USD.
Theo Cafef