Túi nylon: Khó vì thuế môi trường

Thứ hai, 27/02/2012, 11:06
Mới có hiệu lực chưa đầy hai tháng, nhưng thuế bảo vệ môi trường đánh vào túi nylon theo Luật Thuế bảo vệ môi trường đã vấp phải sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp nhựa, dệt may... vì thiếu hướng dẫn cụ thể khi thực hiện.




Vẫn chưa có tiêu chí xác định túi nylon thân thiện với môi trường.
Công việc này con đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu

Ngành nhựa than khó!

Sau khi nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc liên quan đến Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, ngày 10-2 vừa qua, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức họp báo, lên tiếng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét tạm ngưng, chưa thực hiện việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm bao bì nhựa.

VPA cho rằng các doanh nghiệp sản xuất bao bì phải chịu mức thuế 40.000 đồng/ki lô gam túi, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, khiến các doanh nghiệp rất lúng túng khi thực hiện, gây tâm lý không tốt trong cộng đồng các nhà sản xuất bao bì nhựa.

Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả cơ quan thi hành luật. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa biết liệu mình có nằm trong đối tượng chịu thuế hay không và phải chịu thuế ra sao. Thậm chí, văn bản của các cục thuế ở các địa phương trả lời thắc mắc của doanh nghiệp cũng khác nhau, khiến doanh nghiệp hoang mang, không biết phải thực hiện thế nào.

Khoản 3 điều 2 Nghị định 67/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ghi rõ: “Đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) quy định tại khoản 4 điều 3 của Luật Thuế bảo vệ môi trường là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, đến nay theo các nhà sản xuất ngành nhựa thì cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa ban hành tiêu chí đánh giá rõ ràng thế nào là túi thân thiện với môi trường. Chưa kể, cụm từ “bao bì đóng gói sẵn hàng hóa” áp dụng cho sản phẩm được miễn thuế là một định nghĩa không rõ ràng.

Thậm chí, trong một cuộc hội thảo ngày 15-12-2011 tại TPHCM, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng “bao bì đóng gói sẵn hàng hóa là những loại bao bì đóng gói các loại hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam”. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng như vậy, các loại bao bì đóng sẵn hàng hóa trong nước thì được tính vào đâu?

Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch VPA, cho biết việc đánh thuế vào túi nylon là chính sách đúng nhằm hạn chế lượng túi nylon phát thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng thiếu sót lớn là ngay từ đầu là trong quá trình làm luật, các nhà soạn thảo đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến từ nhà sản xuất.

Ông Lam cho hay, “tác động lớn nhất hiện nay là tất cả các doanh nghiệp nhựa đều rất hoang mang, bởi Bộ Tài chính vẫn chưa quy định rõ loại sản phẩm nào bị đánh thuế ra sao. Các doanh nghiệp nhựa lớn vẫn đang bán sản phẩm theo giá cũ, vừa sản xuất vừa ngóng quy định hướng dẫn, không dám tăng giá vì sợ mất khách hàng”.

Ông Lam cho biết thêm, việc đánh thuế môi trường đang làm chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng. Nhưng nếu doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm, lập tức giảm năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp trước giờ mua sản phẩm nhựa trong nước làm hàng xuất khẩu, nay tuyên bố sẽ nhập từ các nước trong khu vực với giá rẻ hơn. Ngành nhựa Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi những khách hàng lớn.

Ngành dệt may cũng kêu khổ!

Theo bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang kêu khổ về việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon nhập khẩu phục vụ cho hàng dệt may xuất khẩu. Luật Thuế môi trường đã có hiệu lực, nhưng Bộ Tài chính lại chưa có hướng dẫn rõ ràng về hoàn thuế cho túi nylon nhập khẩu sử dụng cho hàng dệt may xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may mua túi nylon sản xuất trong nước sử dụng để đóng kiện hàng dệt may xuất khẩu vẫn chưa được miễn hay hoàn thuế. Theo bà Dung, các hóa đơn mua túi nylon từ doanh nghiệp sản xuất túi trong nước không hề có dòng nào ghi thuế môi trường là bao nhiêu, chỉ có giá là tăng gấp đôi, từ 40.000 đồng/ki lô gam tăng lên 80.000 đồng/ki lô gam, thậm chí lên 100.000 đồng/ki lô gam.

“Hiện hiệp hội đã nhận được rất nhiều phàn nàn từ các doanh nghiệp dệt may. Lâu nay, tất cả các nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nếu có đánh thuế nhập khẩu thì vẫn có 275 ngày để được hoàn thuế, đối với hàng gia công thì không phải nộp thuế. Nhưng đối với thuế môi trường là phải nộp ngay từ khi nhập khẩu, điều này không tạo điều kiện cho nhà sản xuất giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh”, bà Dung nói.

Ngày 8-2 vừa qua, Công ty cổ phần May Hưng Yên đã có đơn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, kiến nghị xem xét việc hoãn, hoàn thuế bảo vệ môi trường cho túi PE đóng hàng xuất khẩu.

Trong đơn kiến nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc công ty, cho biết trong quá trình sản xuất, công ty cần sử dụng túi PE đóng gói sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ chất liệu LDPE và LLDPE, là loại túi nylon thuộc diện chịu thuế môi trường. Các loại túi này do nhà sản xuất trong nước cung cấp và nhập khẩu. Trên cơ sở khuyến khích dùng nguyên phụ liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu, Công ty May Hưng Yên đã yêu cầu bạn hàng sử dụng túi PE do công ty mua tại Việt Nam để cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu.

Ông Dương tính toán, riêng công ty ông, mỗi năm xuất khẩu khoảng 6 triệu sản phẩm túi nylon mua tại Việt Nam và cung cấp cho khách hàng lượng túi PE đóng gói với giá trị tương đương 400.000 đô la Mỹ (nếu tính cả ngành dệt may thì con số này lên đến 600 triệu đô la Mỹ).

Theo Thông tư 152/2011/TT-BTC, kể từ ngày 1-1-2012, số lượng túi PE này phải chịu thuế bảo vệ môi trường và sẽ phải trả thêm khoảng 450.000 đô la Mỹ (mức thuế đánh vào túi nylon hiện nay là 40.000 đồng/ki lô gam), số tiền chịu thuế này tương đương 5% giá gia công. “Khoản chi phí phát sinh này làm cho giá gia công hàng xuất khẩu của chúng tôi đắt lên, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành nhựa, Phó chủ tịch VPA Hồ Đức Lam cho biết hiện hiệp hội đang tổng hợp những ý kiến phản ảnh, bức xúc từ doanh nghiệp thành viên để có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và các cục thuế để cùng đối thoại với các doanh nghiệp nhựa nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện luật thuế môi trường.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam, cũng khẳng định: “Không phải doanh nghiệp muốn trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhưng lộ trình áp dụng việc đánh thuế nên được công khai sớm để những đối tượng chịu thuế có sự chuẩn bị phương án thay thế, tránh rơi vào thế bị động”.

Theo Saigontimes

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích