Địa ốc sắp có “sóng” mới

Chủ nhật, 26/02/2012, 14:01
Xu hướng giảm giá nhà đất trong thời gian qua là do tác động của chính sách tiền tệ chứ không phải do bị “xả hàng”.

Tại hội thảo “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản (BĐS) năm 2012” do Công ty CP Tài chính Việt tổ chức ngày 25-2 ở TPHCM, hai chuyên gia hàng đầu về tài chính và BĐS là TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng cho rằng thị trường nhà đất chuẩn bị đón đợt “sóng” tăng trưởng mới.

Đừng hy vọng rẻ !

Hai tháng đầu năm nay, có thể nói nhà đầu tư chứng khoán có phần hồ hởi vì thị trường đã vượt lên một mức tương đối. Tuy nhiên, nhà đầu tư BĐS vẫn chưa thể thở phào vì gánh nặng ôm BĐS. Nhiều doanh nghiệp đang bị đè nặng bởi nợ, chi phí… Về nguyên nhân chính làm cho giá BĐS trong năm qua giảm mạnh, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng do chính sách tiền tệ bị thắt chặt, đồng thời do nguồn cung dư thừa, dẫn đến vài phân khúc ứ đọng, buộc nhà đầu tư phải bán giảm giá. Tuy nhiên, đó chỉ là nhỏ lẻ, còn cái khó chung của thị trường chính là do tác động của chính sách tiền tệ chứ không phải do bị “xả hàng”.


Khách hàng chờ bốc thăm mua căn hộ tại một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Vạn Xuân
 
Đồng quan điểm này, GS-TSKH  Đặng Hùng Võ cho rằng chính những “cơn sốt” giá BĐS thời gian qua là nguyên nhân gây ra lạm phát, nay việc kiềm chế lạm phát làm cho BĐS thua thiệt cũng là quy luật tất yếu. Tình trạng thiếu vốn vẫn là trọng tâm của thị trường BĐS trong năm 2012, còn giải pháp vốn vẫn chưa có cách nào khả thi.
 
Mặc dù vậy, theo TS Lê Xuân Nghĩa, điều lạ là có những người muốn “găm giữ” BĐS, dù không giao dịch được nhưng họ vẫn không chịu bán tháo, thậm chí khi có người hỏi mua họ còn muốn đòi giá cao. Điều này lý giải vì sao không ít nhà đầu tư BĐS quốc tế đã, đang có mặt ở Việt Nam để “săn” BĐS. Họ gặp ông và thừa nhận các dự án ở Việt Nam vẫn định giá cao và dường như thị trường đang chờ một điều gì đó. “Đừng nuôi hy vọng giá BĐS sẽ rẻ như cơm tấm để mua gom số lượng lớn như châu Mỹ Latin hay ở châu Âu của những năm trước” - ông Nghĩa nói.
Có thể tự tái cấu trúc

Thực tế, Việt Nam dù khó khăn nhưng thời gian qua vẫn giữ đà tăng trưởng, chính vì vậy thị trường tài sản, cụ thể là BĐS vẫn nằm trong trạng thái tiềm năng. Vậy, khi nào thị trường BĐS “ấm” trở lại là điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều quan tâm. Các chuyên gia cho rằng khi nào lãi suất giảm, khi đó “ngọn lửa” thị trường mới được châm ngòi để ấm lên. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, dự báo lạm phát năm nay sẽ không cao, vì vậy chưa hoàn toàn nhìn vào chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tiền tệ mà vấn đề chính của việc giảm lãi suất đang nằm ở thanh khoản của các ngân hàng.


GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng trước những động thái, hoàn cảnh đã và đang diễn ra, từ việc Chính phủ ưu tiên tái cấu trúc thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, tạo giải pháp vốn cho BĐS; căn hộ chung cư có xu hướng giảm, tạo cơ hội cho người mua; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 được phê duyệt… cho thấy thị trường BĐS tự tái cấu trúc sẽ là diện mạo chính của thị trường BĐS năm 2012.
 
Trong hoàn cảnh tốt, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ hồi phục vào giữa năm 2012; hoàn cảnh xấu hơn, phân khúc này sẽ hồi phục vào cuối năm hoặc muộn hơn một chút. “Cũng có thể toàn cảnh của thị trường BĐS sẽ còn khó khăn một vài năm nhưng xu hướng chung hiện nay là “nghỉ ngơi” và chuẩn bị cho một làn “sóng” tăng trưởng mới…” - TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
 

Sẽ lập 2 định chế để phát triển nhà ở

Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ đệ trình Chính phủ về việc thành lập Quỹ Phát triển và tiết kiệm nhà ở, đồng thời cùng với Ngân hàng ĐBSCL trình Chính phủ đề án mới xây dựng một ngân hàng đặc biệt, gọi là Ngân hàng Phát triển nhà Việt Nam. Có thể xem ngân hàng này là một công ty tài chính trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, chuyên về nhà ở và cho vay mua nhà ở.
Hai định chế tài chính này hiện đang được đưa ra lấy ý kiến của các ban - ngành, dự kiến nếu được thông qua sẽ thành lập ở TPHCM và Hà Nội trước và ra mắt vào tháng 11 -2012.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn