"Vấn đề của Việt Nam là thiếu Ngân hàng trụ cột quốc gia"

Thứ bảy, 25/02/2012, 11:22
Lãnh đạo Ernst&Young châu Á-Thái Bình Dương cho rằng vấn đề của Việt Nam là quá nhiều ngân hàng nhỏ trong khi chưa tổ chức nào đủ lớn để dẫn đầu.

Ông Keith Pogson
Ông Keith Pogson - CEO Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên áp dụng từ từ các biện pháp tái cấu trúc để tránh những bước đi quá sốc và giữ niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.


Ông thấy bối cảnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam giống và khác các nước trong khu vực như thế nào?

Tôi đã có kinh nghiệm tham gia vào quá trình tái cấu trúc rất nhiều quốc gia trong khu vực nhưng không ở đâu có hoàn cảnh giống Việt Nam. Theo tôi, mỗi quốc gia chỉ nên có 3-5 nhà băng lớn làm trụ cột cho cả hệ thống.

Trong khi đó, Việt Nam lại có quá nhiều ngân hàng nhỏ nhưng chưa đơn vị nào lớn và dẫn đầu hệ thống một cách rõ rệt. Như Trung Quốc, khi tái cấu trúc, họ đã có sẵn những ngân hàng quy mô lớn, chỉ có điều các tổ chức này lại hoạt động không hiệu quả.

Vậy theo ông, Việt Nam nên tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng nào để hiệu quả?

Do có quá nhiều ngân hàng nhỏ nên tôi khuyến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ quá trình mua bán – sáp nhập nhóm này. Ví dụ như về mặt chính sách, khi tiến hành hợp nhất, ngân hàng không phải chịu thêm các khoản thuế. Việc phải đóng thuế có thể làm giảm động cơ sáp nhập tự nguyện của họ. Đi kèm với đó là xây dựng ngân hàng trụ cột, quy mô lớn cho quốc gia.

Ngoài ra phải xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Có quá nhiều nợ xấu, lãnh đạo các ngân hàng thường lao tâm khổ tứ với việc giải quyết chúng như thế nào thay vì tập trung phát triển các lĩnh vực hoạt động để đóng góp có lợi cho nền kinh tế.

Từng trực tiếp tham gia quá trình tái cấu trúc ở Trung Quốc, ông thấy Trung Quốc xử lý nợ xấu như thế nào?

Trong giai đoạn khủng hoảng 1999-2001, Trung Quốc giải quyết nợ xấu bằng cách cho phép thành lập những ngân hàng, công ty chuyên xử lý nợ xấu (gọi là bad-bank). Các tổ chức này được trao một quyền ngoại lệ đặc biệt để xử lý, mua lại nợ xấu hoặc thậm chí đầu tư và sinh lời từ đó.

Tại Trung Quốc và các nước trong khu vực, theo kinh nghiệm của ông, những bước đi nào được xem là quyết định đến sự thành công của tái cấu trúc ngân hàng?

Bước đầu tiên là phải giải quyết dứt điểm nợ xấu. Tiếp đến là cải tổ ban lãnh đạo, nâng cao phương thức quản trị ngân hàng. Một hướng nữa tôi cho rằng đã khá thành công ở Trung Quốc và một số nước là yêu cầu các ngân hàng niêm yết một phần trên thị trường chứng khoán trong nước hoặc thậm chí ra các thị trường khác trong khu vực. Việc này nhằm hai mục đích, vừa để họ tăng vốn vừa để giúp họ hòa nhập, tăng tính minh bạch và tuân thủ dần các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư, mua bán sáp nhập từ nước ngoài vào thị trường ngân hàng trong bối cảnh hiện nay cũng là một biện pháp đáng lưu tâm.

Ông đánh giá thế nào về việc các tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần ngân hàng tại Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc hiện nay?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang khá phân tán, gồm nhiều đơn vị nhỏ lẻ và thị trường chưa thực sự xác lập một ngân hàng nào thống trị, chi phối rõ rệt. Do đó, cơ hội cạnh tranh để trở thành nhà băng lớn vẫn còn hé mở cho các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng mua bán – sáp nhập ngân hàng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đang rất rõ ràng.

 

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn