Năm 2012 là thời điểm nhiều quỹ kết thúc thời gian hoạt động và phải quyết định tiếp đầu tư hay thanh lý quỹ. Nhiều nhà đầu tư lo ngại khả năng thoái vốn ồ ạt của các quỹ sẽ khiến thị trường lao dốc. Gafin có buổi trao đổi với ông Andy Ho, giám đốc Điều hành VinaCapital, quản lý quỹ có giá trị tài sản ròng gần 1,5 tỷ USD.
Ông Andy Ho, giám đốc Điều hành VinaCapital |
Thị trường giảm là cơ hội để các quỹ giải ngân. Năm 2011, VinaCapital có tận dụng được cơ hội đó không?
Tất nhiên là có. Với kinh nghiệm đầu tư gần 10 năm trên tại Việt Nam của VinaCapital, chúng tôi biết được thời điểm giá cổ phiếu tương đối thấp và tương đối cao để tiến hành mua vào, và bán ra. Dĩ nhiên, không ai có thể biết được chính xác khi nào giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất.
Theo thống kê, chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2011 ở khoảng 7,5 đến 8,5 lần, trong khi đó trong những năm 2007 - 2008, P/E cao từ 25 đến 30 lần.
Theo phân tích của VinaCapital, P/E trung bình của thị trường chứng khoán Châu Á ở mức từ 12 đến 15 lần.
VinaCapital mất hơn 200 triệu USD trong năm 2011. Ông lý giải thế nào về điều này?
Xét về con số tuyệt đối thì tính đến 31/12/2011, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của 3 quỹ VOF, VNL và VNI là 1.495 tỷ USD, giảm 206 triệu USD so với năm 2010. Nhưng nếu xét theo con số tương đối thì trong năm 2011, NAV của VOF giảm 8,4%, VNL giảm 11,8%, VNI giảm 15,1% thấp hơn mức giảm của VN-Index là 32,8%.
Để đánh giá hoạt động của các quỹ, theo tôi, nên so sánh NAV của các quỹ so với mức tăng, giảm chung của toàn thị trường.
Vì sao mức giảm NAV 3 quỹ của VinaCapital thấp hơn VN-Index?
Mức giảm 3 quỹ thấp so với thị trường nhờ tính đa dạng trong danh mục đầu tư. Chẳng hạn như quỹ VOF của VinaCapital chỉ có 30-40% là tài sản là cổ phiếu được niêm yết trên sàn, 30-40% là bất động sản như khoản đầu tư vào khách sạn Sofitel Metropole Legend ở Hà Nội; 20-30% là các công ty OTC hay công ty tư nhân.
Chiến lược của VinaCapital là tập trung 80% nguồn lực vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, bao gồm các công ty tư nhân cũng như các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Việc định giá của các công ty đó thường phụ thuộc vào tình hình chung của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô và phải so sánh với các công ty khác trên thị trường chứng khoán.
Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược đầu tư vào một công ty tư nhân?
Thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là thời điểm rất tốt, có nhiều cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2012, các công ty có tình hình tài chính yếu sẽ bộc lộ ra hết những khó khăn vì lãi suất giảm chưa đáng kể.
Andy Ho
|
Chúng tôi tìm kiếm các công ty tư nhân có tiềm năng phát triển để mua lại một tỷ trọng cổ phiếu tương đối lớn. Đó là cơ hội để chúng tôi giải ngân từ 5-10 triệu USD. Định giá của các công ty tư nhân thường có mức chiết khấu từ 20 - 40% so với mức giá thị trường vì tính thanh khoản của cổ phiếu các công ty này chưa cao.
Giả sử P/E trung bình của thị trường là 10, chúng tôi có thể mua được cổ phiếu của một công ty tư nhân với mức giá P/E là 7 lần. Khi thị trường chứng khoán tăng, P/E thị trường tăng lên 12 lần, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết công ty đó lên sàn chứng khoán, và cổ phiếu của công ty đó có thể sẽ được giao dịch ở mức P/E 12 lần. Với mức tăng P/E từ 7 lần lên 12 lần, chúng tôi tăng được 5 lần P/E so với mức tăng 2 lần P/E nhờ khoản chiết khấu rủi ro thanh khoản.
Để đạt được mức tăng trưởng P/E kỳ vọng, công ty phải hoạt động tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận hấp dẫn. Đối với các khoản đầu tư tư nhân, chúng tôi thường cam kết đi chung với công ty trong một thời gian lâu dài và cùng công ty hoạch định chiến lược đầu tư, hỗ trợ công ty phát triển.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc các quỹ đầu tư thoái vốn kể từ năm 2012. Là một nhà quản lý quỹ, theo ông lo lắng trên có cơ sở không?
Đối với thị trường đang phát triển, việc quỹ đầu tư tham gia vào thị trường hay thoái vốn là việc rất bình thường. Sẽ có một số quỹ đến thời kỳ kết thúc hoạt động, phải bán tài sản trả lại tiền cho nhà đầu tư hay một số quỹ hoạt động không tốt nên NĐT muốn đóng quỹ. Các quỹ hoạt động tốt sẽ tiếp tục đầu tư và có một số quỹ sẽ huy động tiền mới, và một số quỹ khác có thể sẽ chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở.
Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển của thị trường Việt Nam, sẽ có nhiều hình thức quỹ, điều quan trọng là phải nhìn tổng quát xem khối lượng tiền có tăng đều không tại vì nếu nhìn quá chi tiết thì sẽ thấy một số quỹ đóng nhưng nhìn chung lại thì sẽ thấy một số quỹ mở thêm ra.
Theo nhận xét của tôi, thời điểm 2002 - 2004, có nhiều quỹ được thành lập. Năm 2012 sẽ là thời điểm các quỹ này kết thúc thời gian hoạt động. Các quỹ phải tiến hành đại hội để cổ đông quyết định nên tiếp tục đầu tư hay là đóng quỹ. Do đó, theo tôi, sẽ có một số quỹ đóng lại trong năm 2012 nhưng không đáng lo ngại .
Cũng nên biết rằng khi ĐHCĐ quyết định đóng quỹ, không có nghĩa là các nhà quản lý quỹ ngay lập tức bán ra tài sản, điều đó hoàn toàn không đúng. Họ hiểu rằng nếu bán ngay tại thời điểm đó, thị trường sẽ “sập” do thanh khoản không có. Khi muốn kết thúc một quỹ, họ sẽ dự phòng từ 2 đến 3 năm để từ từ bán tài sản.
Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt trong 5-10 năm tới, vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và chúng tôi tin rằng dòng tiền mới vào Việt Nam nhiều hơn dòng tiền thoái vốn.
Theo DVT