Cuộc chiến giành khách càng trở lên bất tương xứng giữa ngân hàng lớn với nhà băng nhỏ hơn khi Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị giao hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo đó mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho nhóm I là 17%, nhóm II là 15%, nhóm III là 8%. Riêng nhóm IV - nhóm các ngân hàng được cho là yếu kém, có nguy cơ mất an toàn, phải cơ cấu, sắp xếp lại thì không được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng nào như 3 nhóm trên.
Trước đó, khi công bố chính sách này với giới báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, sau sáu tháng, cơ quan này sẽ xem xét, điều chỉnh lại các nhóm. "Ngân hàng nào đáp ứng các tiêu chí tốt hơn ở nhóm 3 và nhóm 3 sẽ được xếp lên nhóm 1, nhóm 2", ông nói.
Một tuần qua, ngay sau khi nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể, từng ngân hàng lớn ở nhóm I và một số ngân hàng nhóm II đã lên tiếng công bố chỉ tiêu tăng trưởng. Nhóm I có: VIB, Sacombank, MaritimeBank, SeaBank... Nhóm II có các ngân hàng như Nam A Bank, OCB với chỉ tiêu được giao 15%. Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc đua mới các nhà băng đã tranh thủ tung ra các chính sách mới để thu hút khách hàng.
Bên cạnh những chiêu thức giữ chân khách hàng phổ biến, hàng loạt các ngân hàng lớn, nhỏ tìm cách thu hút khách hàng với nhiều ưu đãi và hỗ trợ kèm theo. Lãnh đạo một ngân hàng có quy mô nhỏ cho hay, nhà băng này đã thực hiện đúng quy định không lách trần huy động 14% của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, một số ngân hàng khác nằm trong nhóm I áp dụng mức cao hơn, thậm chí còn có nhiều ưu đãi khác dành cho người gửi. "Vì vậy bản thân chúng tôi đành phải chấp nhận nói lời tạm biệt với những món tiền lớn mà người gửi đã rút đi", vị này bộc bạch.
Chị Võ Thu Giang - chủ kinh doanh một vài cửa hàng quần áo thời trang tại TP HCM chia sẻ, với số tiền nhàn rỗi đang có, chị sẵn sàng so sánh để tìm ra ngân hàng nào đang áp dụng lãi suất cao hơn để "gửi gắm".
Theo chị Giang, có ngân hàng còn chấp nhận việc khách mặc cả lãi suất lên 16,5-17%/năm, thậm chí còn thưởng thêm tiền tươi nếu chị đồng ý chuyển tiền gửi sang bên họ. Chính vì vậy, dù rất quý mến ngân hàng hiện tại chị đã gửi, nhưng so đo hơn thiệt, chị vẫn quyết định rút tiền để chuyển sang một ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn.
Trong khi các ngân hàng nhỏ ra sức ưu đãi người gửi tiền thì các ngân hàng có chỉ tiêu tín dụng cao lại thi nhau ưu tiên khách vay tiền... Ngân hàng Agribank mới đây cũng đã giảm lãi suất xuống còn mức khá thấp là 14,5%/năm và tập trung vào gói thu mua nông sản để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân có đầu ra tốt... Ngoài ra, cùng thời điểm này, ngân hàng ACB có chương trình "Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu" tập trung vào gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép… với mong muốn thu hút khách hàng đến với mình ngày một nhiều hơn.
Đại diện một ngân hàng khác thì tiết lộ thêm, để có được gói lãi suất rẻ, ngoài nguồn vốn được huy động từ trong nước và nước ngoài, ngân hàng sẽ sử dụng cả những nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Cùng nhập cuộc sớm với các ngân hàng quốc doanh, ngay sau khi nhận được quyết định tăng trưởng tín dụng 17% từ Ngân hàng Nhà nước, ngày 22/2, VIB tuyên bố trở thành ngân hàng cổ phần đầu tiên có gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/ một năm so với thông thường, dành cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt may…
Đại diện VIB cho rằng việc công bố hạn mức tín dụng sẽ tạo một sân chơi công bằng và minh bạch cho các ngân hàng. “Chính sách này cũng tạo động lực cho các ngân hàng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động, để được giao hạn mức tín dụng cao hơn trong những lần điều chỉnh tiếp theo”, ông này nhận xét.
Vị đại diện này cho biết, mục tiêu của VIB đạt mức tăng trưởng tối đa theo chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước giao cho, hiện nay dư nợ tín dụng của VIB tính đến hết ngày 31/12/2011 khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Và theo chỉ tiêu được giao năm 2012, dự kiến số vốn tối đa VIB sẽ tung ra thị trường khoảng gần 60.000 tỷ đồng.
Theo Vnexpress