Khuynh hướng tăng giá lâu dài
Người viết đã trót mang nghiệp bàn luận về vàng ở Việt Nam từ những năm 2003 - 2004 khi vàng còn dưới $400/ounce, nên đã được yêu cầu trở lại đề tài này nhiều lần trong các năm qua mỗi khi vàng vượt các mốc tâm lý như 1,000$, 1,500$, rồi mới nhất 1,900$ vào tháng 9/11, trước khi rơi xuống mức 1,500$-1,600$ kéo dài trong 4 tháng qua, nhất là từ lúc đồng Euro đột biến xuống giá quan trọng so với USD do cơn bão nợ công mới nhất ở Âu châu.
Tóm tắt, người viết vẫn giữ nguyên quan điềm qua nhiều năm tháng là vàng vẫn ở trong khuynh hướng tăng giá lâu dài. Từ 2004 đến 2009, giá vàng tiếp tục đi lên do phản ánh lạm phát, nhất là do giá dầu quốc tế đi lên từ mức 20$/thùng tới trên 140$/thùng. Nhưng từ 2010 và sang suốt năm 2011, giá vàng lại tiếp tục "đột phá" các kỷ lục mới do quyết định nới lỏng định lượng (QE--quantitative easing) của Fed và nhất là vai trò "tài sản trú ẩn" do vàng mới tìm thấy, mặc dù lạm phát nói chung trên thế giới có chiều hướng sút giảm mạnh do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008.
Trở về cơn "sốt nhỏ" mới của vàng quốc tế từ vài tuần nay khi đột biến tăng lại trên 1,700$ và muốn thử thách mức cao cũ 1900$, chúng ta cũng cần duyệt lại ngắn gọn triển vọng giá dầu quốc tế -theo ý cá nhân người viết sau nhiều năm quan sát, vẫn là yếu tố căn bản của lạm phát thế giới và giá vàng trong lâu dài-cũng như vài yếu tố cả chính trị lẫn tài chính thế giới mới nhất trong hai tháng qua..
Nhân tố giá dầu
Giá dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tình hình hình địa chính trị trên thế giới. Sự kiện quan trọng liên quan tới nhu cầu nhiên liệu chính là nhu cầu năng lượng theo đà phục hồi tăng trưởng của Mỹ hiện nay, và diễn biến của cơn bão nợ và ảnh hưởng lên kinh tế châu Âu.
Về phía cung, các sự kiện địa chính trị có thể sẽ xác định hướng đi của thị trường, trong đó, các giao dịch tiềm năng giữa Iran, Mỹ và Châu Âu sẽ là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư. Đặc biệt là cơn khủng hoảng Hermuz giữa Iran và Âu Mỹ hay mối căng thẳng hiện nay giữa Israel và Iran nếu nổ bùng toàn diện thành cuộc chiến, có thể đưa giá dầu dễ dàng qua kỷ lục cũ là 147$/thùng.
Theo SEB Commodity Research, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012 và dầu Brent sẽ xoay quanh ngưỡng $114/thùng. Thực tế là đến thời điểm của bài viết này, dầu Brent đã có giá trên $125/thùng và dầu thô WTI đã vượt mức $107/thùng (24/2/2012).
Tuy nhiên, không phải ai cũng dự đón là giá dầu sẽ chắc chắn tăng giá mạnh. TD Securities dự đoán dầu thô WTI sẽ có mức trung bình chỉ là $95/thùng và dầu Brent là $105/thùng. Tương tự, Morgan Stanley vẫn cho rằng giá dầu Brent sẽ dao động quanh $100/thùng trong năm 2012.
Có thể nhận thấy hai kịch bản giá dầu tương lai:
Về phía tăng:
Giá dầu sẽ tăng nếu khủng hoảng Hermuz xảy ra, hay nếu Israel tấn công Iran bằng đường hàng không, tình hình nợ của EU được cải thiện và kinh tế khu vực Euro mạnh hơn dự đoán hiện nay, hay nếu nền kinh tế Mỹ bắt đầu phát triển nhanh hơn kỳ vọng.
Nếu chỉ 2 trong những yếu tố đó xuất hiện, giá dầu WTI có thể leo lên vùng $120/thùng.
Về phía giảm:
Giá dầu rất dễ dàng để rơi vào vùng giảm khi khối EU có thể tan rã, và kinh tế Âu châu suy giảm mạnh, OPEC gỡ bỏ hạn ngạch, thời tiết mùa đông ở Bắc Mỹ dễ chịu thay vì xấu hoặc không có cơn bão ở Vịnh Mexico khiến họ phải đóng cửa sản xuất.
Điều đó cũng có nghĩa rằng giá dầu WTI sẽ có thể xuống dưới $100.
Triển vọng giá vàng 2012 và dài hạn?
Giá vàng quốc tế năm ngoái chịu tác động lớn từ các tin tức liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, được giới đầu tư xem là "tài sản trú ẩn" quan trọng nhất trong cơn bão nợ công. Tuy nhiên, trong 4 tháng cuối cùng của năm, vàng đã để mất vai trò truyền thống này do sự lên giá của USD so với tiền Euro do ảnh hưởng của cơn bão nợ của châu lục này. Giới đầu tư tài chính cũng cần tiền mặt do sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán quốc tế vào tháng 10/2011 đã ồ ạt bán vàng ra.
Vàng đã tăng giá mạnh trở lại từ đầu năm 2012, nhất là trong 3 tuần qua của tháng 2, do những yếu tố nền tảng cho sức mạnh của vàng vẫn còn tồn tại:
Fed vừa quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0% cho tới cuối năm 2014 do muốn kích cầu cho nền kinh tế, và quan trọng nhất là bỏ ngỏ quyết định sẽ áp dụng QE 3 (bằng cách mua thêm trái phiếu Treasury hay doanh nghiệp tư nhân) nếu cần thiết; đây là yếu tố mạnh nhất làm vững lòng giới đầu tư vàng.
Với cơn bão nợ Âu châu đang tiếp tục nặng thêm và lây lan, Ngân hàng trung ương chung ECB và các ngân hàng trung ương có thể cũng áp dụng QE như Fed, tức là sẽ tăng tốc "in tiền" và gây áp lực lạm phát lâu dài, khiến giới đầu tư lo ngại về việc nắm giữ tiền giấy.
Lãi suất cơ bản của hầu hết các nền kinh tế đang có xu hướng tiếp tục giảm hoặc đã cận kề 0%, giúp chi phí nắm giữ vàng của giới đầu tư tại các nền kinh tế này trở nên không đáng kể.
Chứng khoán thế giới và nhất là của Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ trong 2 tháng qua (chỉ số DJ Index đang mấp mé trở lại mức 13,000, chỉ độ 8% dưới mức kỷ lục cũ của chỉ số này), tiền lại có thể đổ trở lại vào vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Nhưng yếu tố căn bản nhất trong dài hạn, theo ý và do nghiên cứu của người viết từ nhiều năm, là sự tiếp tục mua trữ vàng của Trung Quốc cho quỹ dự trữ ngoại hối của họ để thay thế lượng khổng lồ trái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ từ nhiều năm do thặng dư thương mại còn khổng lồ hơn, nhất là với Mỹ. Vì giá trị tiền USD được dự đoán sẽ đi xuống trong dài hạn với các chính sách nới lỏng định lượng đã bàn ở trên, TQ càng có nhiều động lực để mua vàng.
Họ đã mua rất nhiều qua trung gian của đặc khu Hong Kong để ít bị để ý và tránh ảnh hưởng lên giá vàng thế giới, cũng như đã dàn xếp mua hầu hết vàng được các hãng quốc tế sản xuất trong nội địa TQ. Tuy nhiên cho tới 2009, vàng mới chỉ chiếm giữ 2% (được biết) tổng số dự trữ ngoại hối của TQ-hiện đang được ước tính ở mức 3.200 tỷ USD. Nếu chỉ dự đoán họ tăng dự trữ vàng lên tới 5% trong 2-3 năm tới, ảnh hưởng lên thị trường thế giới sẽ không phải là nhỏ.
Xu hướng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn được duy trì và có thể sẽ có những kỷ lục giá mới trong năm 2012:
Ngân hàng BNP Paribas cho rằng, giá vàng bình quân năm tới sẽ chỉ ở mức 1,775 USD/ounce, giảm bớt so với mức giá dự báo 2,000 USD đưa ra lần trước. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, xu hướng tăng giá dài hạn của vàng vẫn còn đó và triển vọng của giá vàng vẫn là tích cực trong năm 2012-2013.
Các tổ chức dự báo lớn như Morgan Stanley, TD Securities, Bank of America-Merrill Lynch và SEB Merchant Banking đều cho rằng giá vàng sẽ ở mức bình quân trên 2,000 USD vào năm tới 2013, hoặc ít nhất là vài lần chạm mốc này.
Giá vàng sẽ có thể lặp lại mức tăng giá 2 con số trong năm 2012 (sau khi đã tăng trung bình 26% trong năm 2011), mặc dù điều này còn phụ thuộc vào những yếu tố như sức mạnh đồng USD, nhu cầu tăng mức giữ vàng dự trữ của Ngân hàng trung ương TQ và vàng vật chất của châu Á (TQ, Ấn độ và Việt Nam) và diễn biến khủng hoảng nợ châu Âu.
Vài quan sát viên quốc tế khác, trong đó có người viết, nghĩ rằng vàng có thể vượt mức 2,400$ trong 2-3 năm tới (đây mới là mức hợp lý hơn mức 2,000$ hay được nói đến do cảm tính) là mức tương đương với mức kỷ lục 850$ đã đạt năm 1980 sau khi kể cả lạm phát tích lũy từ thời điểm đó.
Nhận định như vậy, nhưng người viết vẫn không có ý khuyến khích chuyện đầu cơ hay "lướt sóng" vàng ngắn hạn. Vì giá trị tăng dài hạn từ nhiều năm trong lịch sử, vàng chỉ nên là công cụ chống lạm phát và "trú ẩn tài chính" (10%-20%) trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn, hay công cụ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của một ngân hàng trung ương có một vụ nghiên cứu sâu sắc về thành phần của một quỹ dự trữ quốc gia.
Theo VEF