Casino: Sinh lợi hay "làm thịt" nền kinh tế?

Thứ hai, 27/02/2012, 11:45
Các casino chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế địa phương chứ không phải là tăng trưởng kinh tế bằng cách "làm thịt" các nền kinh tế địa phương và làm trầm trọng hóa vấn đề bằng cách lấy tiền từ những người dân địa phương.

Nhưng có một luật bất di bất dịch và không thể phá vỡ trong kinh tế. Đó là:  Cái gì cũng có giá của nó, không có gì là miễn phí. Kinh doanh casino cũng không nằm ngoài quy luật này. Những tác động tiêu cực về mặt kinh tế xã hội là cái giá phải trả cho những con số lợi nhuận khổng lồ, những sòng bạc hào nhoáng, xa hoa.
 

"Hứa hẹn đầu tư"

Khi thành lập casino, chủ casino và người điều hành thường hứa rằng họ sẽ đầu tư tiền vào địa phương. Họ hứa hẹn đổi mới, sửa chữa đường và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ việc xây dựng các nhà hàng và khách sạn. Các chính phủ cũng luôn nghĩ tới casino như một nguồn thu cho ngân sách thông qua các loại thuế.

Một số bang tại Mỹ đã có dành nguồn thu lớn từ đánh bạc vào những mục tiêu cụ thể. Tất cả những thu nhập từ xổ số bang New York được đầu tư cho giáo dục và xây dựng trường học mới. Tại Israel, tiền thu về từ sự độc quyền của nhà nước đối với đánh bạc được chuyển vào ngân sách phát triển hàng năm của chính phủ và được đầu tư vào xây dựng trường học, các trung tâm cộng động và bệnh viện. Nhưng ngay bản thân ngành công nghiệp cờ bạc cũng thừa nhận rằng các khoản đầu tư vào nền kinh tế từ các casino còn ít hơn ngay cả sự mong đợi khiêm tốn nhất.

Các sòng bạc có đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, họ có xu hướng thực hiện những khoản đầu tư có thể nhìn thấy, như đầu tư vào quan cảnh (trồng cỏ và những gì có tính chất trang trí) thay vì đầu tư thật sự vào những thứ ít hào nhoáng hơn (như hệ thống nước thải). Các thành phố có những sòng bạc được hưởng một thời kỳ phục hưng ngắn mà theo sau đó là sự sụp đổ và thoái hóa quan cảnh thành phố.
 

Tác động tiêu cực về tạo ra việc làm

Thật vậy, các sòng bạc luôn hướng tới luận điểm tạo ra việc làm để biện hộ nhưng hầu hết các công việc tại sòng bạc đều là những công việc tầm thường, thường là những công việc tạm thời mà không có đảm bảo việc làm và không có một kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Đó thường được coi là những công việc cuối cùng cho những người tuyệt vọng.

Thực tế các sòng bạc còn gây ra mất việc làm. Những khách sạn, nhà hàng, các công ty dịch vụ của địa phương thường có quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với những dịch vụ, tiện nghi, những buổi buffet rẻ và sức mạnh marketing của các casino, vì thế không tránh khỏi việc phải đóng cửa và giảm bớt hoặc sa thải người làm. Chưa kể việc nhiều người trở nên nghiện và bỏ bê công việc hay bị sa thải vì hiệu quả công việc thấp do dành quá nhiều thời gian tại các casino.

Những người trẻ tuổi ham mê các trò chơi tại các sòng bạc thường có thể bỏ học hoặc nhận điểm thấp do đó cũng dẫn đếnnguy cơ thất nghiệp hoặc không tìm được việc trong tương lai. Tính đến tất cả những điều này thì lời khẳng định rằng các casino đang tạo ra việc làm là không đáng tin cậy.
 

Các chủ casino có xu hướng thực hiện đầu tư vào những gì hào nhoáng hơn là những khoản đầu tư thực sự cần thiết tại địa phương.


Tổn hại cho kinh tế địa phương

Các casino chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế địa phương chứ không phải là tăng trưởng kinh tế bằng cách "làm thịt" các nền kinh tế địa phương và làm trầm trọng hóa vấn đề bằng cách lấy tiền từ những người dân địa phương. Bởi vì nếu không có các casino chơi bạc, rất nhiều người dân địa phương đã có thể tham gia vào các hoạt động khác. Số tiền mà họ tiêu tại các sòng bạc đáng lẽ đã có thể dành cho việc mua sắm quần áo, hoặc các tiện ích phục vụ cuộc sống hay tiết kiệm.

Đặc biệt, không giống như các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ ít có khả năng, nền tảng cần thiết để chống đỡ với những tác động tiêu cực. Ví dụ, một người có thu nhập tự do có thể sử dụng nó để mua quần áo, đến nhà hàng hoặc mua máy tính. Nếu người đó tiêu khoản tiền này vào sòng bạc thì các ngành kinh doanh khác sẽ bị ảnh hưởng. Doanh thu của họ giảm đi. Họ phải sa thải nhân viên. Và họ cũng trả ít thuế hơn - khoản tiền này sẽ được bù bằng thuế mà các sòng bạc trả nhưng không ai từng tính toán được cái nào là nhiều hơn: khoản thuế mà các sòng bạc trả hay khoản thuế mà các doanh nghiệp khác ngừng trả do sự suy giảm tiêu dùng bởi người dân địa phương - những người đã tiêu tiền vào các sòng bạc.

Đôi khi, các doanh nghiệp này còn phải đóng cửa. Bất kỳ ai từng đến Atlantic hoặc Gary, Indiana có thể chứng thực điều này. Atlantic City là thủ phủ cờ bạc tuy vậy nó lại là một trong những thành phố bị chà đạp nhất Mỹ.


Những chi phí khổng lồ

Mặc khác, các sòng bạc không chỉ tạo ra doanh thu. Chúng còn tạo ra những chi phí trực tiếp (chưa kể đến chi phí gián tiếp) vô cùng lớn. Các nhân tố liên quan tới tội phạm có xu hướng tập trung quanh những sòng bạc.

Những người nghiện bài bạc thường phạm tội với nỗ lực tuyệt vọng để có tiền. Những người chơi ở casino cần nhiều tiền để thưởng thức việc chơi bài cho dù họ thắng hay thua. Điều này thúc đẩy những hoạt động không lành mạnh và phi pháp như cho vay lãi, rửa tiền và mại dâm. Sòng bạc cũng là địa điểm cho những người tham gia hoạt động rửa tiền bởi vì làm kinh doanh trong các casino ít bị chú ý hơn.

Vì vậy, phải chi tiêu rất nhiều tiền vào việc gia tăng lực lượng cảnh sát và cho các công việc bổ sung của các cơ quan thực thi pháp luật khác. Ngoài ra còn có sự gia tăng đáng kể trong các chi phí làm sạch đường phố, vệ sinh môi trường và thêm các dịch vụ xã hội cần thiết để đối phó với sự đổ vỡ của các gia đình và với thói nghiện ngập cờ bạc.

Những nơi có các hoạt động cờ bạc hợp pháp thường có chi phí kinh tế xã hội rất lớn và suy giảm chất lượng cuộc sống. Không giống như những hoạt động kinh doanh truyền thống, các hoạt động cờ bạc có thể hướng tới phục vị một thị trường gồm những người nghiện và có khả năng nghiện cờ bạc và hầu hết những ngành kinh doanh truyền thống đều thấy khó khăn khi phải cạnh tranh với việc những đồng "tiền tiêu dùng" đang dần biến thành "tiền cờ bạc".

Những phân tích nhân khẩu học cho thấy rằng một số nhóm kinh tế xã hội bất lợi có xu hướng đánh bạc số  tiền lớn hơn thu nhập chung của họ và các nỗ lực marketing, cụ thể là bởi các công ty sổ xố, bị cáo buộc là nhằm trực tiếp vào những nhóm này.

Cần phải hiểu rằng mọi người từ các nhà kinh tế học cho đến những chuyên gia y tế đều đồng tình rằng có một chi phí xã hội nhất định tồn tại và xảy ra liên quan tới các sòng bạc. Các con bạc bệnh lý thường có những hành vi phá hoại: họ phạm tội, họ vướng phải những món nợ khổng lồ, họ hủy hoại mối quan hệ với gia đình và bạn bè và họ tự tử. Những nơi có các sòng bạc tồn tại thì tỷ lệ các con bạc bệnh lý đều cao và thất nghiệp hoặc bỏ việc được coi là một chi phí với những con bạc bệnh lý.

Ví dụ, con số thống kê cũng đáng báo động với Nevada - một trong những thủ phủ cờ bạc. Nevada có tỷ lệ tự sát cao nhất Mỹ. Nó cũng có tỷ lệ tai nạn cao nhất (trên mỗi dặm lái xe). Nevada nằm trong những bang có tỷ lệ tội phạm và bỏ học cao nhất. Nền kinh tế của bang này hoàn toàn phụ thuộc vào cờ bạc.

Nơi đây giống như một phòng thí nghiệm trong đó xảy ra các trạng thái cờ bạc khác nhau cần phải được thí nghiệm và đo lường và kết quả thì hoàn toàn không đáng khích lệ. Ngoài ra, hơn 4% dân số là những con bạc bệnh lý. Những người này không thể dừng và những người sẽ dừng lại khi không có gì ngoài việc phạm tội để có tiền chơi bạc. 10% các con bạc chiếm tới 80% số tiền đặt cược tại các sòng bạc. 40% những tội phạm trí thức xuất phát từ việc chơi bạc (đặc biệt là biển thủ và gian lận). Các gia đình, những đồng nghiệp tại nơi làm việc, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chi phí trực tiếp là vô cùng lớn.

Những thị trấn nhỏ ở tiểu bang Masachusetts đã phải tăng ngân sách cho lực lượng cảnh sát 400.000 USD mỗi năm. Vậy thì chi phí cho các thành phố lớn và các sòng bạc lớn sẽ lớn tới cỡ nào? Tính đến tất cả những điều này thì việc các casino mang lại lợi ích cho xã hội gần như chắc chắn là không.

Xem xét tất cả những điều trên, việc các casino mang lại lợi ích cho nền kinh tế hoàn toàn không rõ ràng trong khi hầu như chắc chắn rằng chúng không mang lại lợi ích gì cho xã hội. Các casino không thích bị coi là "cơ sở cờ bạc" (chúng thực sự là vậy) mà thích cái tên mang tính chính trị "Cơ sở giải trí và đánh bạc" hơn. Lý do là bởi đánh bạc có rất nhiều cái mà các nhà kinh tế học coi là "tác động ngoại biên tiêu cực." Hay nói dễ hiểu hơn: casino buộc các nước mà nó đang hoạt động trả một cái giá rất nặng về kinh tế và xã hội.


Theo VEF

Các tin cũ hơn