Giải mã động cơ "vung" tiền đầu tư của TQ

Thứ ba, 28/02/2012, 13:40
Không chỉ châu Phi nghèo nàn lạc hậu, hay các quốc gia đang phát triển tại châu Á, báo cáo của giới chức Canada về tinh hình đầu tư của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng của dòng đầu tư ra nước ngoài của nước này đã mạng lại những lợi ích lớn không chỉ về mặt kinh tế.

Thập diện mai phục

Khi nhắc tới "cuộc ra đi vĩ đại" của người Trung Quốc, người ta thường hình dung tới hình ảnh những ông chủ Trung Quốc đầy uy lực trên các công trường, nhà máy tại châu Phi, lục địa thừa tài nguyên nhưng thiếu vốn.

Không chỉ tại "lục địa đen", các nước đang phát triển tại châu Á cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" mang tên FDI đến từ Trung Quốc. Mới đây nhất, Chính chính phủ Campuchia tuyên bố sẽ vay Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc 500 triệu USD để thực hiện 7 dự án cơ sở hạ tầng. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi IMF và WB bày tỏ sự lo ngại về tốc độ gia tăng nợ nước ngoài của Chính phủ Campuchia.

Được biết, đến nay 2/3 trong tổng số 3,3 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia là của Trung Quốc. Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã khuyến cáo Campuchia cần thận trọng và phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nước ngoài, nhưng các nguồn tin chính phủ cho hay: "Thủ tục cho vay của Trung Quốc nhanh và hoàn toàn không có rắc rối trong tiến trình giải ngân".


Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia việc một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào khoản vay từ một nguồn sẽ dẫn tới những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Từ sự mất quyền tự quyết trong các hoạt động kinh tế tới mất quyền tự chủ chỉ là một khoảng cách nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, trước sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc thì ngay cả các quốc gia giàu có cũng lo sợ thực trước thực trạng này.

Báo cáo của Canada mới đây chỉ rõ, Trung Quốc đang nỗ lực có được các mặt hàng cần thiết, đồng thời xâm nhập vào những nguồn lực có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với nền kinh tế của các quốc gia. Để đạt được mục đích này theo các chuyên gia người Canada, Trung Quốc thường tiến hành bằng nhiều cách thức khác nhau.

Trong hoạt động đầu tư, đầu tư trực tiếp của các công ty nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên thường với số lượng nhỏ và không đáng kể. Sau đó tăng dần lên chiếm hữu phần lớn cổ phần vốn chủ sở hữu, thường là đạt đến quyền phủ quyết, từ đó tác động mạnh đến hoạt động của các công ty nước ngoài, nhất là trong ngành khai thác mỏ, năng lượng, tài chính và thông tin liên lạc.

Về các lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc rất quan tâm tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm, thậm chí tại một số quốc gia nghèo Trung Quốc còn tham gia xây dựng cả trụ sở Bộ Quốc phòng. Qua các hoạt động đầu tư đó, sự chủ động và quyền tự quyết của các dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhiều.

Không chỉ Canada, Trung Quốc nhiều năm qua cũng cho Mỹ "vay" hàng trăm tỷ USD để Washington tiếp tục mua hàng từ Bắc Kinh, qua đó nuôi sống hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông, Thượng Hải...

"Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều hơn khối tiền khổng lổ mà họ đang có trong tay để phục vụ cho các quyền lợi của mình, đặc biệt là gia tăng xuất khẩu", ông Huang, chuyên gia Quỹ Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington nhận định.

Nỗi lo cạnh tranh

Để thực hiện việc đầu tư mạnh ra nước ngoài được dễ dàng, Bắc Kinh đã dốc tiền và lực hỗ trợ cho nhiều công ty quốc doanh. Khoản hỗ trợ này lớn đến mức các công ty Trung Quốc có khả năng thay đổi toàn bộ các quy tắc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ trong chưa đầy hai thập niên, các ngân hàng, công ty dầu khí đại lục chiếm phần lớn trong danh sách 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực.

Công ty Dầu khí PetroChina có giá trị vốn hóa thị trường 329,6 tỷ USD; Ngân hàng Industrial & Commercial Bank of China giá trị vốn hóa thị trường: 259,2 tỷ USD; Ngân hàng China Construction Bank giá trị vốn hóa thị trường: 238,3 tỷ USD; hay Công ty ZTE đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ tư thế giới sau LG, Samsung và Nokia.

Robert Hormats, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Năng lượng và Nông nghiệp tại Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận: "Không giống như các công ty nhà nước của Liên Xô cũ chỉ được hỗ trợ ở phạm vi trong nước, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang được đẩy đi toàn cầu". Cũng chính bởi mức độ "khổng lồ" của mình, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đang gây lo ngại cho tất cả giới đầu tư.

Gần đây nhất chúng ta chứng kiến các đợt "rải tiền" của quốc gia đông dân nhất thế giới sang châu Âu. Theo nhiều chuyên gia, sự đầu tư của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích nắm bắt các thương hiệu hay hệ thống phân phối mà còn là sức mạnh công nghệ của châu Âu. "Đây là vấn đề về đầu tư, nhưng đằng sau là một chính sách chiến lược mà châu Âu phải đối phó", Bộ trưởng Nội vụ Đức Stefan Paris nhận định.

Theo VNN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích