Cổ đông lớn, cổ đông nhỏ: Ai hơn ai?

Thứ tư, 29/02/2012, 16:48
Nhiều năm qua, cứ đến mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), vấn đề cổ đông nhỏ lẻ bị phân biệt đối xử lại được đẩy lên đỉnh điểm. Vai trò, trách nhiệm của cổ đông nhỏ lẻ chưa bao giờ được nhìn nhận đúng mức. Cổ đông lớn, nhiều lợi thế, nhiều tiền và nhiều trách nhiệm nhưng liệu có hơn những cổ đông nhỏ, thoạt nhìn chỉ nắm giữ CP, thậm chí lướt sóng ngắn hạn để tìm kiếm lợi nhuận?



“Cả vú lấp miệng em”

Cổ đông lớn thường được hiểu bao gồm những cổ đông sáng lập, tổ chức đầu tư, và thường nằm trong hội đồng quản trị (HĐQT), ban lãnh đạo DN.

Thực tế, về mặt lý thuyết, cách hiểu trên là chưa chuẩn xác, nhưng đối với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, chữ “lớn” bắt nguồn từ cách hành xử thiếu chuẩn mực của một nhóm cổ đông có những lợi thế và đặc quyền riêng của mình: nắm quyền điều hành, sở hữu lớn, nhiều chiêu trò...

Tại ĐHCĐ của Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí năm 2009, mỗi khi cổ đông muốn phát biểu ý kiến, Chủ tịch đoàn lại yêu cầu cổ đông phải “khai” rõ danh tính.

Trong khi, bên ngoài những cổ đông này đã qua khâu thẩm tra tư cách tức là đủ điều kiện để tham dự. Thật khó để nói là cách làm này đúng hay sai nhưng có thể thấy rằng điều này đã gây ức chế hoặc làm “nhụt chí” những ai muốn đứng lên phát biểu.

Năm ngoái, khi một DN lớn trong ngành vật liệu xây dựng tiến hành ĐHCĐ bất thường, đến phần hỏi đáp, Chủ tịch HĐQT đã tự ý đề ra tiêu chuẩn cổ đông phải nắm giữ 1... triệu CP trở lên thì mới được quyền chất vấn ban lãnh đạo.

Điều kiện đưa ra được cho là hết sức vô lý theo kiểu “hãy biết thân biết phận” khiến không ít NĐT nhỏ cảm thấy bị xúc phạm.

Nói như NĐT P.H.N thì ông rất bất mãn với cách đầu tư vô tội vạ của ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí.

Công ty này đã đầu tư đa ngành khiến lợi nhuận sụt giảm, cổ tức của cổ đông bị ảnh hưởng nhưng vẫn ăn nói theo kiểu “ta đây” khiến những người có cảm tình mua CP theo kiểu đầu tư gắn bó như ông cảm thấy vô cùng bất mãn.

ThS. Đào Trung Kiên, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, một người dù chỉ sở hữu 1 CP vẫn được xem là cổ đông và có quyền chất vấn.

Thực tế, những vấn đề nêu trên nếu xuất hiện hồi năm 2005-2006 khi thị trường chứng khoán mới bùng phát, có thể tạm thông cảm lý do, DN lúc đó chỉ mới tiếp cận với vấn đề công ty đại chúng, cổ đông, CP... Nhưng nếu bây giờ vẫn còn diễn ra thì thật khó chấp nhận.

Không được bảo vệ lợi ích

Dẫu vậy, đối đầu với cổ đông nhỏ lẻ không phải lúc nào cổ đông lớn cũng thắng. Thông thường, phần thắng chỉ thuộc về những cổ đông lớn mà tỷ lệ sở hữu áp đảo, 65 -70% cổ phần, nếu không sẽ phải nhượng bộ thoái lui.

Nhớ trước đây, ĐHCĐ của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) bị vỡ cũng do sự tự tin có phần thái quá của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng khi đăng đàn để giải quyết các vấn đề gai góc.

Tuy nhiên, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị đe dọa, NĐT tham gia ĐHCĐ đã phản ứng rất gay gắt. Thế là dưới áp lực những câu hỏi xoáy của cổ đông, ông Hưng đã nổi nóng trả lời theo kiểu “phủ đầu” và có những phát ngôn khiến nhiều cổ đông bất mãn.

Năm 2011, xu hướng thâu tóm DN, đặc biệt các DN niêm yết vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Chủ tịch HĐQT một DN có tiếng về minh bạch, nhưng tổng sở hữu các cổ đông lớn chỉ vào tầm 30% tỏ ra lo ngại: Với mức giá CP có phần rẻ mạt, một nhóm cổ đông hoặc một tổ chức đầu tư bỏ tiền sở hữu 10 - 15% cổ phần của một DN có vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng không khó.

Từ đó, dẫn đến những hoạt động “quấy rối” ban lãnh đạo sẵn có, DN khó hoạt động bình thường. Như vậy, chỉ cần cổ đông nhỏ lẻ liên tục bán ra, giá CP giảm trong khi không ai mua vào, nguy cơ trên rất dễ xảy ra.

Hiện nay đang có một nghịch lý là khi DN niêm yết, giữ vai trò quan trọng trong việc tạo thanh khoản cho CP lại là NĐT cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ vì cổ đông lớn mật độ giao dịch không nhiều. CP có sóng lên sóng xuống cũng là nhờ cổ đông nhỏ lẻ.

Ấy thế mà các DN vẫn tư duy cũ, vẫn cứ suy nghĩ theo kiểu bất cần và gạt bỏ sự góp sức của nhóm cổ đông nhỏ. Thí dụ: Thay vì công bố thông tin tốt đến NĐT để gia tăng sức cầu, DN lại có thể bắt tay với các “đội lái”, thậm chí CTCK để mua qua bán lại, tạo thanh khoản cho CP.

Trước nghịch lý này, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TP.HCM, lý giải: Nguyên nhân sâu xa của sự bất cân xứng trong mối quan hệ cổ đông lớn, cổ đông nhỏ và vai trò của cổ đông nhỏ nằm ở vấn đề lợi ích.

Ông Thuận đưa ra một ví dụ đơn giản theo lối câu hỏi cổ đông nhỏ lẻ có thể kiếm lời bằng cách nào: một là NĐT hưởng chênh lệch từ mua bán CP, hai là hưởng cổ tức.

Vậy bây giờ, nếu DN trách móc cổ đông nhỏ lẻ không đầu tư lâu dài thì thử đặt ngược lại vấn đề DN đã đem lại lợi ích lâu dài cho NĐT hay chưa? Tính đến nay, được bao nhiêu DN có thể trả cổ tức ổn định, tương đương hoặc cao hơn lãi ngân hàng và bằng tiền mặt cho cổ đông trong một thời gian dài?

Về vấn đề hưởng chênh lệch giá CP, CP tốt, thông tin tốt thì giá sẽ tăng. Nhưng vấn đề là nhiều lãnh đạo DN, cổ đông lớn lại không muốn đưa ra những cái tốt của mình, thay vào đó lại tìm cách “ỉm” đi và hưởng lợi cho mình.

Như vậy, cổ đông lớn, cổ đông nhỏ lại không cần nhau nữa và dẫn đến những xung đột. Từ đó kết luận là những câu chuyện như cổ đông lớn ứng xử không văn minh, lịch sự chỉ là bề nổi, sâu xa nhất vẫn là câu chuyện lợi ích.

Đó cũng chính là câu chuyện đang xảy ra giữa nội bộ cổ đông của mã CP STB trong mấy ngày vừa qua.

Không bình luận quá nhiều về sự vụ này, nhưng nếu quan sát có thể thấy rằng, bản thân các cổ đông đều không đủ quyền biểu quyết thay đổi lãnh đạo của STB hiện tại, nhưng các cổ đông nhỏ này có sự liên minh với nhau để tạo nên một con số đáng thuyết phục đó là 51%.

Và như mọi cuộc tranh cãi, vụ việc giữa các cổ đông vẫn là yêu cầu bầu lại ban lãnh đạo hiện tại của STB vì các cổ đông này cho rằng kết quả kinh doanh của STB trong năm vừa qua chưa thực sự tương xứng với tiềm lực vốn có của ngân hàng.

Theo Doanh nhân SG

Các tin cũ hơn