Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng (ngày 29-2), HBB lần nữa khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng khi chốt ở giá trần, lên 6.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng chuyển nhượng trên 21,2 triệu cổ phiếu, chỉ bằng một nửa so phiên trước đó nhưng đã chiếm gần 20% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Biểu đồ giá cổ phiếu HBB
Một nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán nhận định: HBB đã được gom vào giá cao ở những phiên trước nên phiên này lực cầu muốn đẩy tiếp giá tăng cao. Tuy nhiên, khả năng giá HBB còn vượt lên mạnh rất ít, ngoại trừ có một thế lực muốn “thâu tóm”. Giả thuyết này đang được các nhà đầu tư quan tâm và đặt nghi vấn nhiều nhất.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng: Có thể sau những thông tin về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãnh đạo của một số ngân hàng, trong đó có thể là HBB, đã tỉnh ngộ và tích cực “gom” vào cổ phiếu để chống “thâu tóm”. Đồng thời, một số nhà đầu tư nhìn nhận cổ phiếu ngân hàng đã có “sóng” nên “nhảy” vào tranh mua, đẩy giao dịch HBB tăng vọt.
Một số ý kiến khác thì cho rằng trước đó, đã xuất hiện nhiều tin bất lợi cho HBB. Tuy nhiên, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho rằng đối với thị trường chứng khoán, tin xấu chỉ xấu khi chưa công bố, còn công bố rồi thì mọi chuyện đã không còn xấu nữa nên nhà đầu tư quay lại với HBB. Quan trọng hơn, HBB là một ngân hàng làm ăn có lãi, đạt 262 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2011, vốn điều lệ trên 4.000 tỉ đồng mà giá cổ phiếu chỉ dăm ngàn đồng thì đáng để quan tâm.
Một đại diện của HBB cho rằng HBB đã niêm yết, nếu những giao dịch thuộc diện phải công bố thông tin như cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người liên quan,… mua bán thì sẽ công bố theo luật định. Tuy nhiên, thời điểm gần đây chưa có những thông tin bất thường nào được công bố cả. Vì vậy, những giao dịch trên dù có lạ, bất thường nhưng cũng chỉ có thể nói là do thị trường điều tiết.
Theo NLĐ