Đã có không ít đại biểu Quốc hội ví von “ùn tắc giao thông còn đáng lo ngại hơn lạm phát”. Có những người khác thì nói, thị trường bất động sản, chứng khoán quá trầm lắng, so với lạm phát, dấu hiệu này “nguy hiểm hơn”.
Một trong những lý do khiến lạm phát được nhận “sứ mệnh” làm “thước đo” này là vì lạm phát
ở Việt Nam đã ngày càng trở nên trầm trọng và bất trị hơn.
Rồi mới đây nhất, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lấy lạm phát làm thước đo cho thanh khoản của ngân hàng rằng “thanh khoản nguy hiểm hơn lạm phát”...
Có lẽ, một trong những lý do khiến lạm phát được nhận “sứ mệnh” làm “thước đo” này là vì lạm phát ở Việt Nam đã ngày càng trở nên trầm trọng và bất trị hơn. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, trong năm 2012, nếu lạm phát được kéo xuống một con số, thì đó thực sự là “kỳ tích”. Điều đó có thể lý giải rằng, vấn đề kiềm chế lạm phát ở Việt Nam đã trở nên khó khăn biết nhường nào.
Trong một nghiên cứu mới đây về lạm phát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhận định “Việt Nam là bằng chứng tiêu biểu về tình trạng lạm phát cao” và “cùng với lạm phát cao, nền kinh tế rơi vào vòng xoáy trì trệ, khủng hoảng kinh tế vĩ mô triền miên, sản xuất đình đốn và lưu thông hàng hóa rối loạn, cuối cùng là đời sống người dân hết sức khó khăn”.
Cũng theo ủy ban này, việc tăng cường hội nhập quốc tế và đẩy mạnh tự do hóa tài chính theo các cam kết WTO cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc của Việt Nam hiện nay khiến người ta hoài nghi về khả năng lạm phát trong tương lai sẽ ổn định và được kiểm soát ở mức hợp lý có lợi cho tăng trưởng bền vững.
Dù vậy, dường như Chính phủ vẫn khá lạc quan. Khi CPI của tháng 1 tăng ở mức 1% so với tháng trước, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 2 vừa qua: “Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây. Cứ đà này thì kiềm chế lạm phát năm nay dưới một con số là khả thi và đây sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ thực hiện được. Chúng tôi có lòng tin chắc chắn lạm phát sẽ giữ được theo mục tiêu đề ra”.
CPI của tháng 2/2012 theo con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã tiếp tục tăng ở mức 1,37% và con số này cũng được đánh giá là mức tăng rất thấp so với các tháng 2 trong 10 năm trở lại đây và cũng có thể xem như đó là dấu hiệu tạm yên tâm về lạm phát.
Tuy nhiên, nhìn vào toàn cục, thì CPI của 10 tháng còn lại không được tăng quá 7% nếu như Chính phủ muốn giữ CPI cả năm dưới một con số, và đây không phải là một dư địa rộng rãi gì nhất là khi còn hàng loạt các giá như giá điện, giá than đang nhấp nhổm chờ tăng.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ bày tỏ sự lạc quan về kiềm chế lạm phát. Ngay như trong thời điểm năm 2011, sự lạc quan của Chính phủ đã thể hiện rất rõ qua việc xác định lại các con số cho CPI.
Nếu như vào thời điểm đầu năm, CPI được Chính phủ xác định ở mức tương đương như năm 2010, tức là tăng khoảng gần 12%, thì không lâu sau đó, trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4/2011, Chính phủ chính thức “đăng ký” kiềm chế chỉ tiêu này trong ngưỡng từ 15-17% và khẳng định mục tiêu này sẽ đạt được.
Tuy nhiên, người thay mặt Chính phủ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đã nói thêm vào rằng: “Mức kiềm chế CPI sát thực tế hơn mà chúng ta có thể thực hiện được, có lẽ là phải ở ngưỡng 18%”.
Kết quả thực hiện của năm 2011, CPI tăng trên 18%. Sự lạc quan trong một vài trường hợp, như trường hợp này, dường như chính là nguyên nhân làm “mờ” đi cái nhìn về thực tế.
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho hay về dự cảm của mình với lạm phát của năm 2012 là: “Phải hy vọng nó xuống dưới một con số thôi. Ai trong chúng ta cũng nên sống với niềm hy vọng”. Bà Hường không khẳng định bà tin Chính phủ điều hành được dưới một con số, mà chỉ nhắc đến niềm hy vọng như vậy. Bởi vì, chừng nào lạm phát vẫn được coi như là một loại “thước đo” để tham chiếu cho những gì bất trị, rắc rối, khó khăn của sự phát triển kinh tế - xã hội, thì chừng đó, Chính phủ chưa thể chủ quan. Lạc quan không có nghĩa là chủ quan nhưng đôi khi, nó chính là con đường ngắn nhất dẫn đến sự chủ quan trong “cuộc chiến” đầy cam go với lạm phát này.
Và, dù Chính phủ điều hành việc kiềm chế lạm phát năm nay được ở con số nào, dưới một con số hay có thể thấp hơn, thì chỉ khi nào trên dư luận, không còn thấy xuất hiện nhiều hơn nữa những phép so sánh kiểu như cái này, cái kia còn đáng sợ, đáng lo hơn lạm phát..., thì có lẽ khi đó mới có thể khẳng định rằng Chính phủ đã thành công trong kiềm chế lạm phát.
Theo VnEconomy