Sàn chứng khoán xuất hiện nhiều "hàng nóng"

Thứ năm, 01/03/2012, 11:31
Tăng điểm khá ấn tượng với mức thanh khoản kỷ lục, thị trường chứng khoán trong nước những ngày gần đây đã lộ diện nhóm cổ phiếu ngân hàng cực “hot” và thu hút không ít giới đầu tư tham gia thu gom.


Cổ phiếu nhóm ngân hàng đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia đầu tư
 

Mặc dù kinh tế đang gặp khó khăn và thị trường chứng khoán không ngừng sụt giảm, nhưng trong suốt thời gian dài vừa qua các nhà đầu tư vẫn chứng kiến sự đi lên không ngừng nghỉ của các cổ phiếu ngân hàng.

Điểm nhấn mạnh nhất và được nhiều nhà đầu tư để ý phải kể đến những phiên giao dịch gần đây, khi khối lượng giao dịch ở cổ phiếu này tăng lên mức choáng ngợp. Động  thái này kiến giới chuyên môn cho rằng đây là những cổ phiếu nằm trong diện “hàng nóng” của sàn chứng khoán.

Theo thống kê, thị trường chứng khoán hiện nay có 9 cổ phiếu ngân hàng. Trong đó trên sàn Hà Nội có 4 mã, bao gồm: HBB của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, ACB của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu; NVB thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt.

5 cổ phiếu thuộc sàn TP.HCM là STB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thường Tín, MBB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội, EIB là của Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, VCB là của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, CTG là Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam.

Với những người thường xuyên theo dõi thị trường chứng khoán trong thời gian gần có thể nhận thấy, đà tăng của các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đang diễn ra khá mạnh, khiến hoạt động mua bán sôi động lạ thường.

Điển hình, trong phiên giao dịch ngày 28/2, mặc dù thị trường chứng khoán giảm điểm song nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thực sự làm nóng thị trường.

Sức nóng của thị trường lại tiếp tục được hâm nóng khi nhà đầu tư chứng kiến phiên giao dịch ngày cuối cùng của tháng 2, với mức thanh khoản kỷ lục gần 3.000 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng chiếm một lượng lớn.

Tại sàn TP.HCM, dẫn đầu về thanh khoản toàn thị trường vẫn là cổ phiếu trong nhóm ngân hàng. Vị trí số một là MBB đạt hơn 6 triệu đơn vị. Tiếp đó là STB đạt gần 5,9 triệu đơn vị; EIB đạt gần 2,7 triệu đơn vị...

Trong khi đó, bên sàn Hà Nội, cổ phiếu HBB vẫn là tâm điểm với những biến động giá mạnh trong phiên. Từ giảm sàn, mã này hồi phục mạnh tăng trần cuối phiên, giá trung bình đóng cửa giữ tham chiếu. Khối lượng giao dịch tiếp tục đạt kỷ lục, dẫn đầu toàn sàn với gần 21,2 triệu đơn vị.

Đứng vị trí thứ 2 về thanh khoản là VND với gần 5,3 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVX (hơn 4,9 triệu đơn vị), KLS (hơn 4,6 triệu đơn vị), SHB (hơn 4 triệu đơn vị)...

Theo thống kê, với 9 cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ có 3 cổ phiếu có mức giá trên 20.000 đồng và 3 cổ phiếu trên mệnh giá một chút và 3 cổ phiếu niêm yết thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Đứng đầu trong danh sách tăng giá của nhóm ngân hàng phải kể đến cổ phiếu STB niêm yết trên sàn TP.HCM. Nếu như đầu năm 2012 cổ phiếu STB chỉ niêm yết ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu, thì sau đúng hai tháng giao dịch cổ phiếu này đã tăng thêm đến gần 50% khi lên mức 22.500 đồng.

Có mức tăng khá ấn tượng là 47%, cổ phiếu SHB cũng đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng và thu gom mạnh. Kế tiếp sau là các cổ phiếu CTG, HBB, MBB, EIB, ACB. Chỉ riêng cổ phiếu NVB là đứng im sau hai tháng giao dịch.

Với mức tăng áp đảo và khá ấn tượng được thống kê trên sàn chứng khoán trong thời gian vừa qua có thể thấy rằng, các cổ phiếu của nhóm ngân hàng đang khá đắt hàng. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi mà trên thực tế loại cổ phiếu này thường được lấy làm thước đo của thị trường.

Bất chấp nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, nhưng những cổ phiếu thuộc ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng, luôn giữ được mức tăng điểm ấn tượng và giữ được giá trị.

Vì vậy, như một điều tất nhiên, trong giai đoạn này khi nhiều tín hiệu về vĩ mô đã cho kết quả ổn định, lãi suất được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới, các chính sách ổn định kinh tế vẫn luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu, thì cổ phiếu ngân hàng được quan tâm dường như là một lẽ hợp lý và tự nhiên?
 

Theo VNMedia

Các tin cũ hơn