CTCK lỗ nặng, vì sao?

Thứ năm, 01/03/2012, 13:30
Câu hỏi này có lẽ hơi thừa khi câu trả lời đã quá rõ. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan, hãy xem các CTCK nói gì về nguyên nhân chủ quan.

TTCK suy thoái mạnh trong năm 2011 nên hầu hết các hoạt động kinh doanh của CTCK đều không mang lại hiệu quả, nếu không muốn nói là lỗ nặng.

Tuy nhiên, với con số lỗ hơn 1.400 tỷ đồng năm 2011 của 26 CTCK niêm yết - đối tượng DN hoạt động minh bạch và hiệu quả nhất trong số 105 CTCK được UBCK cấp phép, ngoài nguyên nhân khách quan, hãy xem các CTCK nói gì về việc thua lỗ trong năm qua:

Tổng giám đốc một CTCK có quy mô vốn nghìn tỷ đồng nhìn nhận, cùng với thời gian, càng ngày lại càng thấy Luật Chứng khoán đang quá trói CTCK. Hầu hết các DN khác đều được kinh doanh nhiều ngành nghề theo đăng ký của DN, riêng CTCK chỉ được làm chứng khoán.
 



CTCK chỉ được phép loanh quanh với 4 nghiệp vụ chính theo Luật.
 

“Tại sao không mở rộng hơn để CTCK có cửa xoay sở (tất nhiên vẫn giữ core business), đỡ cực lúc chứng khoán “mất mùa”? Luật Chứng khoán quy định 4 nghiệp vụ chính của CTCK gồm môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán. Ngoài 4 nghiệp vụ chính này, CTCK chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác, nhưng phải được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong đó, hầu như các dịch vụ tài chính mà CTCK muốn phát triển lại chưa có…khung pháp lý để triển khai”, ông nói.

Chỉ loanh quanh với 4 nghiệp vụ chính được phép làm, lúc thị trường khó khăn là giai đoạn bộc lộ rõ nét nhất những hạn chế về nghiệp vụ của một CTCK. “Hoạt động trong 4 nghiệp vụ cứng nhắc thì không sống nổi, phát triển những dịch vụ mới, chưa được quy định trong luật thì bị tuýt còi, xử phạt. Tình cảnh kinh doanh của CTCK bí bách đủ đường”, Chủ tịch một CTCK khác chia sẻ.

Cuối năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBCK đã công bố một chương trình triển khai các giải pháp đối với TTCK, trong đó có nhiều biện pháp có thể hỗ trợ thiết thực cho hoạt động kinh doanh của khối CTCK. Tuy nhiên, chuyển động pháp lý từ đầu năm đến nay mới chủ yếu ở góc độ kỹ thuật (công bố chỉ số mới, kéo dài thời gian giao dịch), còn việc hỗ trợ phát triển sản phẩm mới và cởi trói các mức khống chế trong đầu tư với CTCK là chưa có.

Một số CTCK cho biết, thị trường lúc này là cơ hội để tìm kiếm, thâu tóm các DN tiềm năng. Tuy nhiên, với các mức khống chế về tỷ lệ sở hữu của CTCK tại các DN khác như hiện tại thì CTCK không thể thực hiện thâu tóm DN một cách công khai, hợp pháp. Nếu có tiền và có ý định thâu tóm DN, CTCK sẽ phải đi đường vòng.

Tìm một cơ chế mới, thông thoáng và hỗ trợ khối CTCK phát triển, đó là mong mỏi của các CTCK trong bối cảnh họ không chỉ chịu sức ép từ quá trình tái cơ cấu ngành chứng khoán, mà còn phải chịu sức ép lớn hơn từ chính các cổ đông. TTCK có khó khăn, nhưng việc có đến 21/26 CTCK có thị giá dưới mệnh giá, thậm chí chỉ bằng 1/3 mệnh giá là “thảm cảnh” với những người góp vốn vào loại hình công ty này.

Thải loại những CTCK yếu kém là nhiệm vụ trước mắt của công tác tái cấu trúc ngành khi Đề án tái cấu trúc CTCK đã được ban hành và thời hạn 1/4/2012 - thời điểm Thông tư về an toàn tài chính của CTCK có hiệu lực thực thi đã sắp đến. Tuy nhiên, làm thế nào để hỗ trợ các CTCK còn lại phát triển? Đó mới là câu hỏi chính cần được quan tâm nhiều hơn từ cấp UBCK và Bộ Tài chính trong việc xây dựng định hướng phát triển khả thi cho TTCK Việt Nam.

 

Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn