Theo số liệu công bố ngày 29/02, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm lượng trái phiếu nắm giữ từ 1,16 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2010 xuống 1,15 nghìn tỷ USD ngày 31/12/2011. Số liệu điều chỉnh cho thấy Trung Quốc đã nắm giữ nhiều hơn so với số báo cáo khoảng 51 tỷ USD hồi tháng trước.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chủ trương đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bên cạnh các tài sản bằng đồng USD sau khi đã tăng gấp đôi lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ từ năm 2007 trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, 1,67% trong tháng 9/2011 khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, nhằm tránh khỏi cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và việc cam kết duy trì lãi suất 0% của Fed để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông William O'Donnell, người đứng đầu khối trái phiếu chính phủ Mỹ tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland ở Stamford, Connecticut, một trong 21 đại lý chính giao dịch với Fed cho biết: "Những gì chúng tôi thấy từ Trung Quốc cũng tương tự như nhiều nhà đầu tư trong nước. Với 10 năm, lợi tức chỉ 2%, trái phiếu chính phủ không còn hấp dẫn nữa".
Ông Thomas Simons, chuyên gia kinh tế tại Jefferies Group Inc ở New York thì nhận xét: "Việc Trung Quốc bán ra trái phiếu chính phủ cũng là hợp lý, nhưng điều này cũng khiến họ còn lâu mới trở thành một những chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Có dự đoán cho rằng sẽ có một tài sản dự trữ khác có thể thay thế cho trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhưng tin đồn chỉ là tin đồn. Nước Mỹ vẫn ở đó."
Theo TTVN