Hạ lãi suất, bài toán khó cho ngân hàng Nhà nước

Thứ tư, 29/02/2012, 14:54
Lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm lãi suất liên tục duy trì ở mức cao trong hai năm qua đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Để giảm lãi suất, ngân hàng Nhà nước nhất thiết phải giải quyết ba vấn đề quan trọng bao gồm: lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng và tỷ giá. Ảnh minh hoạ Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Lãi suất cao, tiếp cận vốn khó khăn và những bất lợi khác từ thị trường đã khiến hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm 2011 và hàng loạt doanh nghiệp khác thu hẹp hoạt động. Do vậy, giảm lãi suất đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất trong tình hình kinh tế hiện nay đang là bài toán khó đối với NHNN bởi để giảm lãi suất, NHNN cần nhất thiết phải giải quyết ba vấn đề quan trọng bao gồm: lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng và tỷ giá.

Lạm phát: không thể chủ quan

Điều kiện tiên quyết cho việc giảm lãi suất phải là lạm phát giảm và rõ ràng điều kiện này đang dần được thoả mãn khi mà lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây. Cụ thể là sau khi đạt đỉnh 23,02% vào tháng 8 năm 2011, chỉ số CPI theo năm đã giảm liên tục trong sáu tháng qua và dừng ở mức 16,44% vào tháng 2.2012.

Mặc dù xu hướng giảm lạm phát đã thể hiện rõ nhưng thực tế lạm phát ở Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức rất cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Do vậy, kiểm soát và hạ thấp lạm phát vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế hiện nay, khi mà cái gốc của lạm phát Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, đó là hiệu quả của nền kinh tế đang ở mức thấp, đặc biệt là hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước và hiệu quả hoạt động chi tiêu ngân sách.

Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát trong năm nay sẽ chịu tác động mạnh của các nguyên nhân chi phí đẩy, trong đó quan trọng nhất là sự biến động giá của các hàng hoá cơ bản như xăng dầu, điện, lương thực, thực thẩm. Bất kỳ sự gia tăng nào của các hàng hoá cơ bản này sẽ nhanh chóng tạo tác động lan toả dẫn đến lạm phát trong nước gia tăng. Ngoài ra, lạm phát trong nước trong những năm qua mặc dù chủ yếu xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế nhưng đồng thời cũng chịu tác động của lạm phát quốc tế khi mà nền kinh tế chúng ta có độ mở rất lớn, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP lên đến 1,5 lần. Điều này cho thấy việc các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế mở rộng nhiều khả năng sẽ làm lạm phát quốc tế gia tăng, qua đó đẩy lạm phát trong nước tăng trở lại.

Như vậy, mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm rõ rệt nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn ở mức cao. Do vậy, trong khi chờ hiệu quả của chính sách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cải thiện hiệu quả chi tiêu ngân sách nhằm trị tận gốc căn bệnh “lạm phát kinh niên” ở Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn là phương thuốc hàng đầu trong việc hạ cơn sốt lạm phát một cách nhanh chóng. Nói cách khác, việc hạ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay cần phải được cân nhắc thận trọng nhằm tránh trường hợp bùng phát trở lại của lạm phát.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng: tiến thoái lưỡng nan

Thanh khoản hệ thống ngân hàng kém đang là trở lực hàng đầu cho việc giảm lãi suất trong nền kinh tế. Thực tế chứng minh rằng, các ngân hàng gặp khó trong vấn đề thanh khoản sẽ tiếp tục chạy đua lãi suất huy động, điển hình là mặc dù NHNN đã rất nghiêm trong việc xử phạt các ngân hàng huy động vượt trần 14% nhưng các ngân hàng vẫn tiếp tục lách luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: để khách hàng mua trái phiếu chính phủ do ngân hàng nắm giữ kèm điều kiện bán lại hoặc chi hoa hồng cho nhân viên trong việc huy động… Các động thái lách luật một cách hợp pháp này đang duy trì lãi suất huy động trên thị trường hiện nay ở mức 17 – 18%/năm ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Với lãi suất huy động cao như vậy, việc giảm lãi suất cho vay là điều không thể đối với các ngân hàng thương mại.

Do vậy, để giảm lãi suất, trước hết NHNN phải giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN sẽ không thể bơm thêm tiền để giải quyết vấn đề thanh khoản vì hai lý do. Thứ nhất, việc bơm tiền sẽ đi ngược lại mục tiêu chống lạm phát của NHNN và do đó sẽ làm cho lạm phát kỳ vọng ngay lập tức tăng lên. Thứ hai, thực chất NHNN đang muốn “thử sức” khả năng thanh khoản của các NHTM, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, có tiền sử chất lượng kém để buộc các ngân hàng này tái cơ cấu, sáp nhập… trong chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng của mình. Nói cách khác, NHNN đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong vấn đề giảm lãi suất cho nền kinh tế, nếu giảm lãi suất thì mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hạ thấp lạm phát sẽ gặp khó, ngược lại nếu không giảm lãi suất thì áp lực từ các doanh nghiệp sẽ rất lớn, đặc biệt là khi các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Tỷ giá: áp lực lớn đối với lãi suất tiền đồng

“Cam kết” giữ tỷ giá trong phạm vi 3% trong năm 2012 của NHNN cũng sẽ là một áp lực lớn trong việc giảm lãi suất tiền đồng. Một trong những lý do làm tỷ giá ổn định trong thời gian gần đây là mức chênh lệch rất lớn giữa lãi suất tiền đồng và đôla Mỹ (chính thức là 12%/năm nhưng thực tế 15 – 16%/năm). Do vậy, nếu giảm lãi suất tiền đồng cũng đồng nghĩa với thu hẹp mức chênh lệch lãi suất này sẽ làm cho tiền đồng trở nên kém hấp dẫn hơn, khi đó, với mức lạm phát vẫn cao như hiện nay thì mục tiêu kìm giữ tỷ giá sẽ khó đạt được.

Những phân tích ở trên cho thấy rằng, giảm lãi suất là vấn đề phức tạp đối với NHNN hiện nay. Bởi vì việc giảm lãi suất nếu không được thực hiện một cách chính xác sẽ làm cho những nỗ lực kiểm soát, hạ thấp lạm phát; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; kiểm soát tỷ giá trong thời gian qua trở nên vô nghĩa và lúc này, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng thật sự.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn