Chủ quyền biển đảo VN là thiêng liêng |
Thực tế này được Bộ Ngoại giao đưa ra trong văn bản nhằm trả lời hàng loạt các ý kiến, yêu cầu của cử tri gửi đến Quốc hội.
Cử tri muốn khởi kiện Trung Quốc
Bản tổng hợp ý kiến của cử tri do Ban Dân nguyện của Quốc hội thực hiện cho biết, cử tri mong sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc.
Cử tri của rất nhiều tỉnh thành như Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Yên, TP.HCM… tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc.
Cử tri bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.
Cử tri đề nghị hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình Biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo... từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bộ Ngoại giao: kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế
Theo Bộ Ngoại giao, với Trung Quốc, Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm một cách liên tục, thường xuyên, thông qua nhiều kênh đối thoại với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao và các diễn đàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ giữa hai bên, thông qua công hàm của Bộ Ngoại giao cũng như trao đổi trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Với các nước và diễn đàn quốc tế, Việt Nam chủ động thông báo tình hình Biển Đông, giải thích để tranh thủ sự ủng hộ. Lãnh đạo nhiều nước như Thủ tướng Đức, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Nhật… đã chia sẻ quan ngại của Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng.
Gần đây, Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (tháng 8-2015) lần đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung của Hội nghị. ASEAN đã nhận thức rõ về nguy cơ và tính nghiêm trọng của tình hình Biển Đông và đạt được sự thống nhất cao hơn trong vấn đề này.
Theo Bộ Ngoại giao, Trung Quốc là nước lớn, láng giềng quan trọng của Việt Nam. Việt Nam coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.
Từ sau khi bình thường hóa đến nay, quan hệ Việt – Trung về tổng thể là phát triển ổn định trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước. Hai bên đã giải quyết được hai trong ba vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ là vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, tồn tại lớn nhất trong quan hệ hai nước là vấn đề Biển Đông.
Công văn của Bộ Ngoại giao cho biết, vấn đề này là hết sức hệ trọng liên quan đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng của Việt Nam, cũng là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến quan hệ của nước ta với các nước trong khu vực và nước lớn; nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa ta và các nước, đến môi trường hòa bình, ổn định phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bộ Ngoại giao khẳng định, đối với những hành động sai trái của phía Trung Quốc, Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và bảo đảm được chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển, Việt Nam đã tích cực, chủ động duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua trao đổi các đoàn cấp cao, các đoàn của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục duy trì các quan hệ về kinh tế, thương mại với Trung Quốc.
Vì vậy, "một mặt chúng ta vẫn đảm bảo tiếp tục phát triển quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, mặt khác ta kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia," văn bản Bộ Ngoại giao cho biết.
Theo TB KTSG