Nhập tàu cũ về phá: Đại biểu Quốc hội thấu ý đồ

Thứ ba, 17/11/2015, 09:20
Yêu cầu không cho nhập tàu cũ về phá dỡ, có thể không ai nói ra, nhưng rõ ràng hầu hết các ĐBQH đã nhìn thấu ý đồ không lành mạnh.

Đã thấu ý đồ

Như PV đã thông tin, tại phiên thảo luận góp ý Luật Hàng hải sửa đổi hầu hết ĐBQH đều yêu cầu bỏ Điều 47-50 quy định cho phép nhập tàu cũ về phá dỡ.

ĐBQH cho rằng có lợi ích nhóm trong việc nhập tàu cũ về phá dỡ

"Các ĐBQH đã rất tỉnh táo. Trước nhận thức rõ ràng về những nguy cơ, mối hiểm họa chết người từ hoạt động phá dỡ tàu cũ sẽ sản sinh ra các hóa chất độc hại và chất thải nguy hại như: PCB, PVC, PAH, TBT, dầu mỡ khoáng, amiăng, các kim loại nặng (thủy ngân, chì, đồng, kẽm, nhôm, sắt...) và các chất nguy hại khác như: chất phóng xạ, hợp chất nhóm xyanua hữu cơ và cặn bể chứa nước dằn tàu có chứa nhiều vi khuẩn và sinh vật ngoại lai.

Đó là chưa kể mối nguy hại do phá dỡ những con tàu chuyên chở dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất thải hoặc các loại hàng hóa nguy hiểm khác... Hầu hết các ý kiến góp ý đều kiên quyết phản đối, yêu cầu loại bỏ hẳn quy định này ra khỏi điều luật đang bàn", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình cho biết.

Ông Phương phân tích, theo tìm hiểu, quy định pháp lý liên quan đến phá dỡ tàu trên thế giới và ở Việt Nam chiểu theo Công ước Basel. Cụ thể, các con tàu cũ được vận chuyển xuyên biên giới nhằm mục đích để phá dỡ sẽ được coi là chất thải. Và như vậy, việc xuất khẩu các con tàu như vậy từ các nước OECD sang các nước đang phát triển là hoàn toàn bị cấm.

Tại Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Công văn số 1122/BKHCNMT-MTg ngày 03/5/2002 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo cụ thể về thực trạng nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ, kiến nghị không nên cho phép nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ mà chỉ phá dỡ tàu cũ trong nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động gia công phá dỡ tàu cũ cho nước ngoài hoặc nhập tàu cũ để phá dỡ lấy thép phế liệu tái xuất.

"Điều lạ lùng là sau đó, trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành lại cho phép nhập khẩu vỏ tàu cũ đã tháo gỡ, loại bỏ dầu, mỡ, cao su, amiăng và các thành phần phi kim loại tại nước xuất khẩu.

Như vậy, về lý mà nói quy định này đáng ra đã được loại bỏ, nghiêm cấm hoàn toàn không cho phép nhập tàu cũ về phá dỡ nhưng với quy định trên thì gần như đã ngầm thừa nhận sự tồn tại loại hình kinh doanh này" - vị ĐBQH đoàn Quảng Bình đặt câu hỏi.

Theo ông Phương, đây là sự thiếu sót lớn của các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật. Các cơ quan này đã không thể quét được hết các văn bản Luật dẫn tới tình trạng văn bản luật bị cấm ở bộ này, lại được ban hành ở bộ khác. Cấm ở luật này lại đưa vào bàn ở luật khác.

Lạ lùng hơn nữa, là ngay cả khi chính phủ đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động gia công phá dỡ tàu cũ cho nước ngoài hoặc nhập tàu cũ để phá dỡ lấy thép phế liệu tái xuất thế nhưng trong quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vẫn lên kế hoạch cho ngành phá dỡ tàu biển. Tiếp đến, trong Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy, chỉ có 5 cơ sở được phép tháo dỡ tàu cũ.

Vị đại biểu đoàn Quảng Bình nói rằng, hiện tượng trên khiến ông nhớ lại bài phát biểu trước Quốc hội từ những năm trước đó. Tại đây, ông được xem là người duy nhất chỉ ra hiện tượng tham nhũng chính sách hay còn gọi là "tham nhũng mềm".

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, dù không khẳng định chắc chắn đưa Điều 47-50 ra bàn tại luật Hàng hải là có lợi ích nhóm chi phối, nhưng thật khó loại bỏ được hoài nghi khi ai cũng thấy đây được xem là ngành công nghiệp có thể giúp doanh nghiệp kiếm siêu lợi nhuận. Đứng trước món hời quá lớn, bất cứ doanh nghiệp nào cũng khó có thể bỏ qua.

"Có thể không ai nói ra, nhưng rõ ràng hầu hết các ĐBQH đã nhìn thấu ý đồ, mục đích không lành mạnh. Vì thế đã thẳng thắn yêu cầu bỏ hẳn quy định này khỏi Luật Hàng hải",ông Phương dẫn giải.

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn