Thiệt hại gần 500 tỷ đồng vì thương vụ tàu Hoa Sen
Trong thời gian làm việc ở Vinashinlines (từ tháng 5/2006 - 6/2008), Giang Kim Đạt đảm nhiệm chức vụ quyền Trưởng phòng kinh doanh, lại là cố vấn cao cấp của giám đốc nên đối tượng đã được giao thực hiện hàng loạt thương vụ mua tàu cũ và cho thuê tàu, trong đó có tàu Hoa Sen – con tàu cũ mà Vinashin mang về đã phải dừng hoạt động do không hiệu quả, gây thiệt hại lớn. Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, Đạt có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua con tàu này.
Lật lại hồ sơ vụ mua tàu Hoa Sen cho thấy, đầu năm 2007, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin đã tìm hiểu và được Cty Maersk Broker (Singapore) môi giới mua tàu Cartour của Italia, đây là tàu cũ được sản xuất năm 2001. Sau đó, ông Bình giao cho Vinashinlines do Trần Văn Liêm làm Giám đốc tiến hành việc mua tàu.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông Liêm giao Giang Kim Đạt, quyền Trưởng phòng kinh doanh tiếp tục trao đổi, thỏa thuận giá cả với Cty Maersk Broker và chủ tàu. Trong khi Viện Khoa học công nghệ tàu thủy và Cty Tài chính công nghiệp tàu thủy VFC chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự án chưa được thẩm định và phê duyệt nhưng ông Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo Trần Văn Liêm ký hợp đồng với Công ty Caronte & Tourist của Italia mua tàu Cartour với giá 60 triệu EUR mà không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh theo quy định. Sau đó, Trần Văn Liêm đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa thủ tục phê duyệt dự án phù hợp với việc ký hợp đồng mua tàu, kèm theo là quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 64 triệu EUR do Phạm Thanh Bình ký.
Không chỉ mua tàu cũ nát phải sửa chữa hết gần 350 nghìn USD, tàu Hoa Sen còn phải dừng hoạt động sau 39 chuyến chạy hai chiều Bắc - Nam. Cơ quan chức năng xác định, hành vi cố ý làm trái trong việc mua tàu Hoa Sen của Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 469 tỷ đồng của nhà nước.
Không chỉ “nhúng tay” vào việc mua tàu Hoa Sen, Giang Kim Đạt còn trực tiếp tham gia đàm phán giá cả mua 7 con tàu cũ khác và trong việc khai thác, cho thuê 9 con tàu. Với thủ đoạn câu kết, thông đồng, thỏa thuận với các công ty bán tàu để hưởng hoa hồng 1% giá trị hợp đồng, gửi 1-2 giá khi cho thuê tàu, Giang Kim Đạt đã chiếm hưởng bất chính gần 19 triệu USD. “Đánh hơi” được việc sẽ bị cơ quan công an “sờ gáy”, Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Giang Kim Đạt đã trốn ở những quốc gia nào
Sau khi Giang Kim Đạt bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định truy nã quốc tế với đối tượng này. Với quyết tâm truy bắt bằng được “mắt xích” quan trọng trong vụ án, bằng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm, CQĐT đã phát hiện nơi nghi vấn Đạt lẩn trốn ở nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, một tổ công tác đặc biệt của Tổng cục An ninh được giao nhiệm vụ ra nước ngoài phối hợp với cảnh sát nước bạn và Interpol truy bắt Đạt.