Giữa cái nắng trưa hè tháng 7, chúng tôi tìm đến khu vực chợ Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai) thăm gia đình chị NTPT.
Chị T. là một trong những nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc (TQ) vừa được giải cứu trở về.
Thủ đoạn của kẻ buôn người
Chị T. kể trong nước mắt: “Ly dị chồng, tôi về sống với cha mẹ. Nghèo đói đeo đẳng, tôi muốn đi làm ăn xa để kiếm tiền gửi về lo cho cha mẹ và con. Nào ngờ tôi bị một người tên Nhí lừa bán sang TQ. Nhí còn lừa bắt cha mẹ tôi ký giấy nợ 30 triệu đồng trong khi cha mẹ tôi chỉ nhận có 8 triệu đồng. Vừa qua, biết tôi được giải cứu về nước, Nhí gọi điện thoại dọa không được thưa kiện, nếu không sẽ thuê giang hồ đến đánh cả nhà. Tôi đã làm đơn tố cáo nhưng Nhí không về Việt Nam nên cơ quan chức năng không xử lý được”.
Tháng 4/2014, hai vợ chồng Nhí từ TQ về Đồng Nai chơi rồi đến nhà chị T. nói nếu muốn kiếm nhiều tiền nuôi con thì theo Nhí sang TQ làm công ty giày da. Tiền lương hơn 10 triệu đồng/tháng. “Nhí đưa cho cha mẹ tôi 8 triệu đồng, nói sau khi tôi đến xứ người Nhí sẽ đưa tiếp 22 triệu đồng. Nhí yêu cầu gia đình tôi ký giấy vay nợ số tiền 30 triệu đồng” - chị T. nói. Ngoài ra, em họ của chị T. là PTHQ (18 tuổi) cũng bị Nhí dụ qua TQ với lời hứa “xin cho làm công nhân giày da, hưởng lương cao”.
Giữa tháng 4/2014, hai chị em chị T. bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Một người đàn ông tên Được đến tận sân bay Nội Bài đón, chở hai chị em chị T. lên Lạng Sơn. Ngày hôm sau, cả hai được ông Được dẫn qua biên giới gặp Nhí đón về nhà.
Sống ở nhà Nhí, cả hai chị em phải phụ cha mẹ chồng Nhí làm ruộng. Khoảng một tháng, không thấy Nhí xin đi làm công nhân như đã hứa, nghi ngờ bị lừa chị T. đòi về nhà thì Nhí nói thẳng: “Hai chị em không biết tiếng TQ không thể làm công nhân được mà phải đi làm vợ đàn ông TQ”. Hai chị em nhất quyết phản đối thì bị vợ chồng Nhí nhốt vào phòng bỏ đói nhiều ngày. Chồng Nhí còn liên tục đe dọa giết rồi phi tang xác. Quá sợ hãi cuối cùng chị T. và Q. phải nghe theo.
Mỹ L. trở về đoàn tụ với gia đình và con gái. Ảnh: TD |
Vợ chồng Nhí dẫn Q. về nhà một người đàn ông TQ nói là “chồng” Q. và bảo Q. phải đi theo. Hằng ngày Q. bị “chồng” bắt làm việc quần quật từ 6 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau mới được nghỉ. Chưa kể Q. còn phải phục vụ nhu cầu tình dục cho người đàn ông đã mua mình. Bị bóc lột tàn bạo về thể xác và tinh thần, sau mấy ngày thì Q. kiệt sức.
Ngày 24/8/2014, lợi dụng sơ hở của gia đình người TQ này, Q. trốn ra ngoài gọi điện thoại về nhà kêu cứu và được giải thoát khỏi địa ngục.
Còn chị T. nhiều lần cố gắng tìm đến công an sở tại để cầu cứu nhưng đều bị gia đình chồng ngăn lại. Phải đến lúc gia đình chị T. cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại TQ, chị mới được giải thoát và trở về nước.
Vượt hàng ngàn cây số trở về quê
Một trường hợp khác là Nguyễn Thị Mỹ L. (thị trấn Định Quán, Đồng Nai). Đầu tháng 7/2015, Mỹ L. đã trở về đoàn tụ cùng gia đình sau gần một năm sống tủi nhục ở xứ người. Mỹ L. đã trốn chạy khỏi nhà “chồng”, vượt hàng ngàn cây số để trở về Việt Nam.
Cuối năm 2014, Mỹ L. gặp một phụ nữ tên Linh. Linh nói có quen một người đàn ông TQ giàu có, mong muốn tìm vợ là phụ nữ Việt Nam. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Linh, cuối tháng 9/2014, Mỹ L. bị Linh dẫn ra cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) giao cho một phụ nữ. Sau hành trình ba ngày bằng ôtô trong nội địa TQ, Mỹ L. bị bán cho một người đàn ông ở vùng nông thôn tỉnh An Huy.
Mỹ L. sau đó đã nhận ra người chồng không phải là doanh nhân giàu có. Mỹ L. luôn bị chửi mắng, đánh đập, nhốt vào phòng tối, cấm sử dụng điện thoại. Không chịu nổi cuộc sống khổ nhục, Mỹ L. tìm cách liên lạc kêu cứu với gia đình qua mạng xã hội Zalo. Sau nhiều tháng tích góp được 1.000 tệ (tương đương 3,5 triệu đồng), ngày 19/6, nhân lúc chồng đi làm xa, Mỹ L. dùng xe đạp điện chạy đến Bến xe Hợp Phì (tỉnh An Huy) bắt xe về Nam Ninh (Quảng Tây, TQ). Ngày 22/6, được sự giúp đỡ của người nhà tại Việt Nam, Mỹ L. đến Nam Ninh, vào Tổng Lãnh sự quán Việt Nam nhờ giúp đỡ. Tại đây, tổng lãnh sự đã đặc cách, làm các thủ tục để Mỹ L. sớm nhập cảnh về Việt Nam.
|
Theo Pháp Luật