Đại diện Bộ Tư pháp trả lời về việc thi hành án Vinashin trong cuộc họp báo chiều 17-4
Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc cách đây hơn 2 năm trước, sau phiên phúc thẩm vào cuối tháng 8-2012.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí về việc bồi hoàn tiền trong vụ án Vinashin chiều 17-4, Tổng Cục thi hành án dân sự cho biết: “Đến nay phạm nhân Phạm Thanh Bình chưa thi hành được đồng nào. Những tài sản của ông Bình đang được kê biên xử lý. Sau này, các tài sản đó sẽ tiến hành các thủ tục định giá, bán đấu giá, tiếp tục xác minh tài sản khác nếu có. Còn trong vụ Vinashin, các phạm nhân cũng mới chỉ thi hành được mấy chục tỉ đồng ”.
Qua 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin lĩnh mức án 20 năm tù giam. Các bị cáo khác bị phạt từ 10 đến 19 năm tù giam. Các bị cáo còn buộc phải bồi hoàn các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trong đó, Phạm Thanh Bình phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỉ đồng; Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty viễn dương Vinashin) 19 năm tù, bồi thường hơn 495 tỉ đồng... Các bị cáo còn lại cũng buộc phải bồi thường nhiều tỉ đồng.
Được biết, trước đó Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành có liên quan như Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan khác để trao đổi, bàn biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành bản án.
Tổng cục Thi hành án có nhiều công văn chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động thi hành án vụ Vinashin.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn yêu cầu Vinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc quyền quản lý có quyền lợi được bồi thường phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án Vinashin cần có đơn yêu cầu thi hành án.
Cục Thi hành án Hải Phòng đã liên tiếp có các công văn hướng dẫn các công ty trên về việc làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Sau rất nhiều công văn hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, trong số 6 doanh nghiệp trên chỉ có 2 doanh nghiệp làm đơn yêu cầu thi hành án là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin.