Tội phạm kinh tế: Được nộp tiền để thoát án tử

Thứ bảy, 18/04/2015, 13:36
Đại diện Ban soạn thảo dự luật sửa đổi Bộ luật Hình sự tại cuộc họp báo hôm qua, 17/4, cho biết những loại án tham nhũng, khi có thể khắc phục ít nhất 1/2 thiệt hại, có thể chuyển đổi hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin bị tuyên 20 năm tù

Nhưng cũng tại cuộc họp báo này thông tin từ cơ quan thi hành án khẳng định, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin- Phạm Thanh Bình dù chỉ bị tuyên 20 năm tù giam nhưng nhà nước vẫn chưa thu được một đồng nào trong số tiền tòa tuyên bị cáo phải bồi thường.

Sẽ thoát “án tử” nếu khắc phục ít nhất 1/2 số tài sản

Trong buổi họp báo do Bộ Tư pháp chủ trì, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, đặc biệt về chế định chuyển án tử hình xuống chung thân cho những tội phạm khi đã khắc phục ít nhất 1/2 số tài sản. Nhiều ý kiến chuyên gia pháp lý cho rằng, việc đặt ra chế định này, vô hình chung sẽ tạo ra sự mất công bằng pháp lý giữa những người nghèo và giàu có. “Như vậy, cứ có tiền là bảo toàn được mạng sống, xây dựng pháp luật như vậy có đúng đắn không?” – một phóng viên đặt câu hỏi về phía lãnh đạo Bộ Tư pháp.

“Thực tế cho thấy, trong các vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, bản thân các bị cáo trong vụ án này lại bị tuyên tử hình. Điều này có nghĩa, Nhà nước sẽ không thu hồi được tài sản của những người đã bị tuyên án, trong khi, việc thi hành án vẫn cứ phải làm”.

Ông Nguyễn Văn Dũng,

Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp)

Ngay lúc đó, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) đã đứng dậy phản hồi. Theo ông Dũng, Ban soạn thảo dự luật ghi nhận ý kiến “có tiền có thể đảm bảo được tính mạng”, nhưng nếu hiểu, cứ có tiền là “lái” được luật là chưa thật sự đúng đắn. Bởi lẽ, dự luật nói trên chỉ định áp dụng cho các tình huống tội phạm tham nhũng, hoặc kinh tế, nghĩa là liên quan nhiều đến tài sản: “Không thể mang chế định này để áp dụng cho tội phạm về ma túy” - ông Dũng dẫn chứng.

Hơn nữa, đây là hướng sửa đổi dựa trên thực tiễn về loại án tham nhũng hiện nay. “Thực tế cho thấy, trong các vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, bản thân các bị cáo trong vụ án này lại bị tuyên tử hình. Điều này có nghĩa, Nhà nước sẽ không thu hồi được tài sản của những người đã bị tuyên án, trong khi, việc thi hành án vẫn cứ phải làm” - ông Dũng lý giải.

Cũng là những phân tích của Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, nếu vẫn tuyên tử hình các bị cáo ở tội phạm tham nhũng, trong khi Nhà nước lại không thu hồi được khối tài sản khổng lồ đó, vậy có nên không.

“Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hình sự ở một số quốc gia, chúng tôi nhận thấy nhiều nơi đã ghi nhận câu chuyện này trong bộ luật hình sự. Và quan điểm của Ban soạn thảo, đây là quy định mới, có thể giúp Nhà nước thu hồi được số tài sản từ tội phạm tham nhũng” - ông Dũng nói thêm.

Cựu chủ tịch Vinashin chưa bồi hoàn một xu

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên quan tâm, đặt câu hỏi xung quanh câu chuyện thi hành án của cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin – Phạm Thanh Bình. Trước đó, hồi năm 2012, ông Bình đã bị tuyên 20 năm tù cùng mức bồi thường hơn 500 tỉ đồng. Gần đây, có nhiều doanh nghiệp được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đã không làm đơn đề nghị thi hành án với vị cựu Chủ tịch Vinashin. “Vậy, nếu doanh nghiệp không làm đơn, ông Bình không phải đền tiền có đúng không?” - một phóng viên hỏi.

Theo ông Hoàng Sỹ Thành, sẽ không thể thu hồi được tài sản của cựu Chủ tịch Vinashin nếu nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu. Ảnh: BT

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay, đúng là có việc một số doanh nghiệp (nguyên đơn dân sự trong vụ án Vinashin) đã không làm đơn yêu cầu thi hành án khoảng 34 tỷ đồng đối với ông Bình.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, áp dụng các quy định của Luật Thi hành án năm 2008, đây là dạng án theo đơn. Điều này được hiểu, phải có đơn đề nghị thi hành án, cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành thi hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp nói trên đều ở dạng công ty cổ phần. “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về nội dung này. Phía Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các doanh nghiệp đó làm đơn, nhưng họ cho rằng không bị thiệt hại nên từ chối” - ông Thành cho biết.

Nói thêm về công tác thi hành án trong vụ việc ở Vinashin, ông Thành khẳng định, việc tòa án đã không tiến hành kê biên tài sản của các bị cáo trong vụ án, đã làm cho công tác thi hành án gặp quá nhiều khó khăn. “Tính đến giờ phút này, các bị cáo trong vụ án Vinashin mới chỉ khắc phục được vài chục tỷ. Riêng ông Phạm Thanh Bình, hiện chưa thi hành được một đồng nào” – ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, hiện, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kê biên một căn nhà của ông Bình, song so với số tiền phải thi hành án, đây là con số rất nhỏ.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn