Từ “Trùm tài chính” đến tội phạm kinh tế

Thứ ba, 07/01/2014, 10:57
Khối tài sản khổng lồ của ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là "Bầu Kiên") và người thân được tạo ra là nhờ "buôn" cổ phiếu của các ngân hàng, như: ACB, Techcombank, Eximbank, Kienlongbank, Vietbank… 

Từ “Trùm tài chính” đến tội phạm kinh tế

Chỉ với 2 công ty và có sự "hậu thuẫn" của Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT -
"Bầu Kiên" đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện hàng loạt phi vụ đầu tư tài chính trái phép.

Do nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn, "Bầu Kiên" trở thành "ông chủ" quyền lực của nhà băng và biến nó thành những công cụ đắc lực cho các hành vi phạm tội của mình.

Công thức chung của "Bầu Kiên" là phát hành trái phiếu doanh nghiệp bán cho ngân hàng, thực chất là khoản vay "lách" luật để lấy tiền đầu tư cổ phiếu, góp vốn vào các ngân hàng.

Chỉ với 2 công ty và có sự "hậu thuẫn" của Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT - "Bầu Kiên" đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện hàng loạt phi vụ đầu tư tài chính trái phép.
"Ông trùm" mua gom cổ phiếu ngân hàng
Năm 2006, "Bầu Kiên" thành lập Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) với số vốn điều lệ chỉ 300 tỷ đồng, do chính ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật. Dưới "vỏ bọc" kinh doanh vàng, "Bầu Kiên" đã chỉ đạo Công ty ACBI thực hiện đầu tư tài chính trái phép, nhằm vào các NHTM cổ phần.

Đơn cử, ngày 25/3/2008, Công ty ACBI phát hành 8 triệu trái phiếu (giá trị 800 tỷ đồng) bán cho Ngân hàng ACB và được giải ngân nhanh chóng. Ngay hôm sau, ACBI đã đem hơn 699 tỷ đồng trả tiền nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu ngân hàng Techcombank.

Sau đó, số cổ phiếu này mới được thế chấp cho ngân hàng để bảo đảm việc phát hành 8 triệu trái phiếu. Đây cũng là sự "ưu ái" đáng ngạc nhiên của ngân hàng ACB dành cho công ty "sân sau" của lãnh đạo. Nếu tính theo vốn điều lệ của Techcombank khi ấy (1.500 tỷ đồng), Công ty ACBI sở hữu gần 6,5% vốn, là cổ đông lớn của ngân hàng. Số tiền 100 tỷ đồng còn lại cũng được dùng mua cố phiếu Eximbank.
Cùng thời điểm này, "Bầu Kiên" thành lập tiếp Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (Công ty ACI - HN). Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh được cấp phép là mua bán vàng bạc, đá quý, trang sức, thu đổi ngoại tệ…
Giữ ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên, "Bầu Kiên" đã sử dụng Công ty ACI - HN để đầu tư cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Cụ thể, ủy thác 8,7 tỷ đồng cho ngân hàng ACB mua 17.500 cổ phiếu ngân hàng Vietbank, nhờ các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng ACB đứng tên mua 19,8 triệu cổ phiếu KienlongBank (giá trị 198 tỷ đồng), mua hơn 12.900 cổ phiếu ngân hàng DaiABank (giá trị 129,6 tỷ đồng)… Giữa năm 2010, ACI - HN mua tiếp 19,8 triệu cổ phiếu Kienlongbank với giá 88,4 tỷ đồng, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 39,6 triệu.
Chưa dừng lại ở con số này, "Bầu Kiên" chỉ đạo nhiều cá nhân khác tiếp tục mua cổ phiếu ngân hàng, nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ khi thời cơ thuận lợi. Bởi năm 2010 cũng là năm thị trường tài chính sôi động, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tới 30 - 40%, lợi nhuận cao ngất ngưởng, cổ tức trên 20%... Vì thế, cổ phiếu của các ngân hàng bỗng lên giá vù vù, được nhà đầu tư thu gom với tâm lý "mua hôm nay, ngày mai đã có lời".
"Bầu Kiên" đã kiếm được bao nhiêu tiền trong đầu tư cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là bí ẩn, mà cơ quan điều tra chưa hề đả động đến?
Giá trị "ảo", sở hữu thật
Năm 2010, để có tiền đầu tư cổ phiếu, Công ty ACI - HN phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, bán cho Vietbank. Toàn bộ số tiền thu về lại được dùng để "ôm" 11,9 triệu cổ phiếu ngân hàng ACB.

Đến tháng 11/2010, Công ty ACI - HN bán 650 tỷ đồng trái phiếu cho ngân hàng ACB. Tài sản bảo đảm là chính các lô cổ phiếu Kienlongbank, DaiAbank, Eximbank, Vietbank và 1 công ty dệt may của ACI - HN, có trị giá hơn 679 tỷ đồng.

Thông qua các cá nhân trong ngân hàng ACB đứng tên thay, "Bầu Kiên" đã mua thêm được 58.500 cổ phiếu Vietbank, 36,4 triệu cổ phiếu DaiAbank, 15,7 triệu cổ phiếu Eximbank.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, "Bầu Kiên" đã chỉ đạo Công ty ACI - HN đầu tư trái phép hơn 1.411 tỷ đồng vào cổ phiếu, cổ phần của các
ngân hàng trên. Ngoài ra, thông qua Công ty B&B, vợ mình (bà Ngọc Lan) và người thân, "Bầu Kiên" còn sở hữu cổ phiếu Vietbank có trị giá hơn 324 tỷ đồng.
Nhìn vào danh mục đầu tư của "Bầu Kiên", người ta không khỏi kinh ngạc về khả năng "tạo tiền" và khoản đầu tư cổ phiếu của 6 ngân hàng chỉ trong vòng 2 năm, ước chừng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Chỉ bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp (tiền ảo) và được ngân hàng bảo lãnh hoặc đồng ý mua, các công ty của "Bầu Kiên" đã vay được cả nghìn tỷ đồng tiền thật một cách hợp pháp. Số tiền này được dùng để "thâu tóm" cổ phiếu của ngân hàng, doanh nghiệp "màu mỡ". Đồng thời, cổ phiếu lại được dùng thế chấp để vay tiền ngân hàng.
Hơn thế, sở hữu cổ phần lớn tại 6 ngân hàng, "Bầu Kiên" có thể tham dự hoặc cử người đại diện tham gia HĐQT, Ban điều hành của ngân hàng, chi phối các quyết sách quan trọng thông qua sở hữu chéo. Thậm chí, "ông trùm" lắm chiêu này cũng từng lớn tiếng tuyên bố có thể "cách chức cả HĐQT ngân hàng".
Mặc dù cơ quan điều tra nhận định "Bầu Kiên" có hành vi thao túng ngân hàng thông qua sở hữu chéo, nhưng không có đủ cơ sở để cáo buộc tội này. Đây lại là một câu hỏi lớn về kẽ hở pháp lý đối với tội phạm lũng đoạn ngân hàng?

Theo Thời báo Kinh doanh

Các tin cũ hơn