Giải ngân gói 30.000 tỉ đồng gặp nhiều vướng mắc

Thứ ba, 07/01/2014, 07:47
Ngoài vấn đề lãi suất, gói tín dụng 30.000 tỉ giải ngân chậm vì tồn tại những nghịch lý ở thủ tục và ít cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận, theo các chuyên gia.

Ngày 6.1, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức tọa đàm "Tài chính cho thị trường bất động sản".

Theo đó, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 02, TP.HCM đã ký được 358 hợp đồng tín dụng (357 cá nhân và 1 doanh nghiệp) với tổng giá trị 738,63 tỉ đồng và đã giải ngân 93,74 tỉ đồng cho 271 cá nhân.

Trên cả nước, các ngân hàng cam kết cho 1.256 khách hàng vay (trong đó có 1.246 khách hàng cá nhân và 10 doanh nghiệp) với tổng số tiền 1.562 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay mới giải ngân được gần 650 tỉ đồng, đạt gần 2% gói tín dụng.

Chủ đầu tư một dự án bất động sản ở Q.Bình Tân, TP.HCM có hơn 500 căn hộ, trong đó đa số là diện tích nhỏ từ 45 - 60 m2, giá bán khoảng 600 triệu đồng/căn, cho biết dù bán được gần một nửa nhưng không có một khách hàng nào vay được tiền từ gói tín dụng 30.000 tỉ.

Theo công ty này, nguyên nhân khách hàng vay không được do vướng nhiều thứ, khó khăn nhất là thu nhập. Theo quy định, khách hàng mua căn hộ thu nhập thấp muốn vay được thì thu nhập phải dưới 9 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi xét hồ sơ, ngân hàng lại không dám cho vay vì với khoản thu nhập này, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, phần còn lại của khách hàng không đủ trả nợ gốc và lãi.

Không chỉ người dân, mà ngay cả doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận gói tín dụng. Đến nay TP.HCM có 8 dự án được phép chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng mới có 1 dự án được giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, việc giảm lãi suất gói 30.000 tỉ đồng từ 6%/năm xuống còn 5%/năm là một tin vui cho người mua nhà, doanh nghiệp và cả thị trường.

Tuy nhiên điều cần hơn là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục. Chẳng hạn việc xác nhận chưa có nhà ở từ phía chính quyền địa phương hiện cũng đang bị kẹt.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, kết quả giải ngân gói 30.000 tỉ đồng quá thấp và không đạt được như kỳ vọng.

Ông Châu kiến nghị ưu tiên giải ngân cho người vay mua nhà. Những dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang cũng cần được ưu tiên để nhanh chóng cung ứng sản phẩm cho thị trường.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng nhận định cơ chế phối hợp giữa bộ ngành để ra một chính sách còn rườm rà. Khi chính sách ra rồi còn rất rối rắm, phức tạp, dẫn đến khó thực hiện.

Gói 30.000 tỉ giải ngân chậm là do thủ tục đối với người mua nhà còn rối rắm và các quy định hiện hành cũng khiến khó xác định đúng đối tượng cho vay.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn