VOF giải ngân hơn 24 triệu USD trong tháng 1

Thứ năm, 23/02/2012, 11:56
Tiền và các khoản tương đương tiền của quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất của VinaCapital giảm từ 86,5 triệu USD trong tháng 12 xuống 62,3 triệu USD.

 

Tính đến 31/1/2012, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý đạt 716 triệu USD. NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ kết thúc tháng 1 ở 2,23 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 2,2%, từ mức 2,18 USD/chứng chỉ quỹ cuối tháng 12/2011.

Giá trị vốn hóa thị trường của quỹ VOF tăng 5,7%, thấp hơn so với mức tăng 10,6% của VN-Index. Cổ phiếu của các công ty Kinh Đô (KDC), Eximbank (EIB), Đạm Phú Mỹ (DPM), Phở 24 và Olympus đóng góp chủ yếu cho việc tăng NAV trong tháng. Tuy nhiên, giá trị của khoản đầu tư vào VinaLand (VNL), quỹ đầu tư chuyên về bất động sản của VinaCapital niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán London, giảm gần 13,5%.

Giá chứng chỉ quỹ VOF kết thúc tháng 1 đóng cửa ở 1,36 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 8,8% so với 1,25 USD/chứng chỉ quỹ kết thúc tháng 12.

 

Giá chứng chỉ quỹ tăng mạnh do VOF tiếp tục chương trình mua lại chứng chỉ quỹ, với tổng số 3,8 triệu chứng chỉ quỹ được mua vào tính đến ngày 31/1.

Do giá chứng chỉ quỹ tăng nhanh hơn tốc độ tăng NAV, nên tỷ lệ chiết khấu tính đến cuối tháng 1 giảm xuống còn 39,2% so với mức 42% vào cuối năm trước. Tỷ lệ chiết khấu cho biết giá của chứng chỉ quỹ trên thị trường thấp hơn giá trị tài sản ròng của quỹ.

Cơ cấu tài sản của quỹ tính đến thời điểm cuối tháng 1 bao gồm 8,7% tiền và các khoản tương đương tiền (giảm so với mức 12,3% cuối năm trước); 1,3% trái phiếu; 7,5% góp vốn vào các công ty tư nhân (Private Equity); 8,2% đầu tư vào cổ phiếu OTC; 34,9% đầu tư vào cổ phiếu niêm yết; 35% vào bất động sản, 4,4% là các khoản đầu tư khác.

Như vậy, tiền và các khoản tương đương tiền của VOF giảm từ 86,5 triệu USD trong tháng 12 xuống 62,3 triệu USD trong tháng 1, tương ứng giảm 24,3 triệu USD. Số tiền này không loại trừ khả năng được dùng 1 phần để mua lại chứng chỉ quỹ.

5 cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF tính đến 31/1 bao gồm Vinamilk (VNM) chiếm tỷ trọng 7,8% NAV, Eximbank (EIB) chiếm 6,1%, chứng chỉ quỹ VNL chiếm 2,9%, KDC chiếm 3,4% và Hòa Phát 1,9%.

5 cổ phiếu OTC chiếm tỷ trọng lớn nhất là Bảo vệ thực vật An Giang với 4,3%, Halico 1,4%, Dầu Nam Việt 0,9%, Lâm Thao 0,5% và phân bón Bình Điền 0,4%.

Về đầu tư bất động sản, 5 dự án chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất là Sofitel Metropole 8,1%, Century 21 chiếm 4,1%, Đại Phước Lotus 3,2%, VNL 2,9%, Danang Beach Resort 2%.

Theo DVT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn