Cổ phiếu STB tăng 64% thị giá khi hai nhóm cổ đông liên tục đẩy mạnh
giao dịch thâu tóm. Ảnh minh họa
Từ tháng 7/2011, thị trường liên tục đưa ra những đồn đoán xung quanh việc Ngân hàng cổ phần Sacombank (STB) bị một nhóm nhà đầu tư nội thâu tóm. Sự việc ngày càng nóng hơn khi các nhóm cổ đông liên tục đưa ra phát biểu xung quanh việc thay đổi ban lãnh đạo ngân hàng trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Một cuộc rượt đuổi tranh giành quyền kiểm soát đã diễn ra giữa 2 bên: thâu tóm và phòng thủ.
Sacombank là ngân hàng cổ phần lớn tại Việt Nam với mức vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng. Tính đến ĐHCĐ Sacombank năm 2011, những cổ đông lớn của STB gồm: REE 3,66%, Dragon Capital 6,66%, ANZ 9,78% và ban điều hành của ngân hàng này nắm 9%.
Tháng 8/2011, Dragon Capital chính thức bán toàn bộ 6,66% vốn tại Sacombank, với 61 triệu cổ phiếu sau 10 năm nắm giữ. Kể từ thời điểm này, thông tin về việc nhà đầu tư nội thu gom cổ phiếu Sacombank để giành quyền kiểm soát lan khắp thị trường
Trước tình hình đó, từ tháng 7/2011, hàng loạt động thái mua bán hàng chục triệu cổ phiếu STB xuất phát từ các công ty của gia đình họ Đặng (liên quan đến người nhà Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành) được khởi động. Khi đó, giá cổ phiếu STB đã rơi xuống mức đáy là 11.600 đồng. Thành Thành Công, nơi vợ ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch HĐQT được chuyển nhượng cá nhân 15 triệu cổ phiếu Sacombank. Sau đó, Bourbon Tây Ninh (SBT) dự kiến mua 7,5 triệu, hai công ty con của Thành Thành Công đăng ký mua 13,2 triệu cổ phiếu STB.
Từ 16/11 đến 16/12/2011, STB bất ngờ đăng ký mua vào lượng cổ phiếu quỹ kỷ lục là 100 triệu đơn vị. Nếu tính theo giá tại thời điểm đó, STB sẽ phải chi hơn 1.300 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính quý III/2011, STB có thặng dư vốn và số dư các quỹ là 2.824 tỷ đồng). Khi đó, Chủ tịch Đặng Văn Thành tuyên bố sẽ tiếp tục mua cho đến khi giá của cổ phiếu này về đúng giá trị thực (không dưới 20.000 đồng), đồng thời khẳng định, cho tới thời điểm chốt danh sách cổ đông vào tháng 8/2011, không có ai nắm giữ tới 30% cổ phần của Sacombank.
Tháng 1/2012, hai cổ đông lớn khác của STB là REE, ANZ đã thoái sạch vốn khỏi Sacombank. Thay vào đó, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Eximbank (EIB) trở thành cổ đông lớn với lượng nắm giữ là 9,73%, trong đó phần lớn là được chuyển nhượng từ ANZ. Từ đây, liên tục dấy lên tin đồn về việc ACB, Eximbank và Sacombank sẽ "về cùng một nhà". Thậm chí, ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB được đồn đoán sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của Sacombank. Tuy nhiên, ngay sau đó, các bên liên quan đã bác bỏ khả năng hợp nhất.
Trước thềm ĐHCĐ Sacombank 2012, thị trường lại tiếp tục rúng động với việc Sacombank chỉ đạo nhân viên nội bộ gom ủy quyền cho ban lãnh đạo ngân hàng, hoãn ngày chốt danh sách và sửa đổi nội dung của đại hội. Cổ đông lớn Eximbank ngay lập tức gửi văn bản lên ban điều hành Sacombank với đề nghị gây sốc: bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát.
Trong thông báo của mình, Eximbank cho biết họ đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Đáp lại động thái này, Chủ tịch Đặng Văn Thành của Sacombank cho rằng Eximbank tham gia HĐQT Sacombank là bình thường, tương tự như ANZ trước đây. Theo ông Thành, điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi cạnh tranh giữa hai ngân hàng, và STB sẵn sàng nghe ý kiến đóng góp nếu xét thấy hợp lý.
Tuy nhiên, vị chủ tịch này cũng lên tiếng khẳng định "chưa có tiền lệ yêu cầu miễn nhiệm HĐQT ngân hàng", và đòi hỏi của EIB đã vi phạm luật tổ chức tín dụng. Thậm chí, Eximbank có thật đang đại diện cho 51% cổ phần biểu quyết của STB hay không thì còn phải chờ chốt danh sách cổ đông.
Sacombank thực sự đang nằm trong tay nhóm cổ đông nào và ban lãnh đạo của ngân hàng này sau ĐHCĐ là ai là những câu hỏi mà thị trường chờ đợi trong kỳ đại hội dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, có thể thấy ngay được tác động của cuộc đua giành quyền kiểm soát này lên giá cổ phiếu của Sacombank. Kể từ mức đáy 11.600 đồng, đến ngày 21/2, thị giá STB đã tăng 64%.
Theo Vnexpress