Chưa thể nói Eximbank có ủy quyền 51% cổ phần Sacombank

Thứ tư, 22/02/2012, 15:46
Cho đến khi nào Sacombank chưa gửi danh sách chốt cổ đông về Trung tâm Lưu ký chứng khoán để tiến hành ĐHCĐ thường niên năm nay thì chưa thể nói là nhóm cổ đông đó đã chiếm trên 51% cổ phần STB.


ảnh internet


Đó là khẳng định của Trước văn bản của ông Trần Xuân Huy - Tổng giám đốc Sacombank (STB) trược việc HĐQT Eximbank (cổ đông nắm giữ 9,73% cổ phần và mới đây đã thông báo được nhóm cổ đông chiếm trên 51% cổ phần uỷ quyền) yêu cầu Sacombank bầu lại HĐQT.

Thưa ông, với việc Eximbank đưa ra văn bản đề nghị Sacombank bầu lại HĐQT, lý do đã có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu cổ đông tại Ngân hàng, có đúng với thực tế hiện nay?

Thông tin đại diện cho 51% cổ phần của một nhóm cổ đông mà Eximbank đưa ra để đề nghị Sacombank thực hiện một số vấn đề, theo tôi là chưa đúng với một doanh nghiệp niêm yết. Vì với một doanh nghiệp niêm yết thì cổ phần bất động, nhưng cổ đông di động. Có nghĩa là, cho đến khi nào Sacombank chưa gửi danh sách chốt cổ đông về Trung tâm Lưu ký chứng khoán trước ngày ĐHCĐ diễn ra, thì chưa thể khẳng định nhóm cổ đông đó nắm giữ tỷ lệ bao nhiêu tại Sacombank. Hay nói cách khác, khi chưa chốt danh sách cổ đông thì ai cũng có thể nói là cổ đông. Tính đến ngày 21/2, Sacombank vẫn chưa chốt danh sách cổ đông tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán bởi chúng tôi phải chờ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011.

Giả sử sau khi Sacombank chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ, mà nhóm cổ đông nêu trên nắm giữ 51% cổ phần ủy quyền cho Eximbank, thì họ có thể yêu cầu miễn nhiệm HĐQT của Sacombank, thưa ông?

Hoạt động của một ngân hàng có những quy định khác với một doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 36, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm như sau: Chủ tịch, thành viên HĐQT; chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên; trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát; tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp như:

Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có đơn xin từ chức của HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; không tham gia hoạt động của HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng; không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật hay các trường hợp khác do điều lệ tổ chức tín dụng quy định. Sau khi miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, thành viên HĐQT; chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên; trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát; tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.

Trong khi đó, ĐHCĐ gần nhất của Sacombank đã biểu quyết bầu ra HĐQT và được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Nhiệm kỳ HĐQT 2011 - 2015 của Ngân hàng đã được ĐHCĐ tín nhiệm và bầu ra. HĐQT của nhiệm kỳ này vừa hoàn thành kế hoạch năm 2011, là năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm. Vì thế, văn bản Eximbank yêu cầu miễn nhiệm, bầu lại HĐQT Sacombank là chưa có tiền lệ.

Việc Sacombank đang tích cực “gom” ủy quyền dự ĐHCĐ khiến nhiều người cho rằng Ngân hàng tìm cách chống “thâu tóm”. Ông giải thích về điều này như thế nào?

Việc này không phải Sacombank mới làm, mà các năm trước chúng tôi đã thực hiện. Thông thường, trước khi ĐHCĐ diễn ra, chúng tôi phải có sự rà soát lại danh sách hơn 10.000 cổ đông, xem cổ đông nào đang nắm giữ hay đã bán cổ phiếu STB. Vì thế, việc “gom” ủy quyền trước ngày ĐHCĐ diễn ra là bình thường. Chúng tôi muốn gửi lời đến các cổ đông rằng, hãy yên tâm và đầu tư cổ phiếu STB cần nhìn vào dài hạn.      

Đối với đề nghị của phía Eximbank là tăng thêm ít nhất 15% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch Ngân hàng dự kiến trình ĐHCĐ năm nay là 3.500 tỷ đồng thì sao, thưa ông?

Vấn đề này phải chờ ĐHCĐ Sacombank quyết định. Kế hoạch chúng tôi dự kiến xây dựng năm nay với con số lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, đó là chỉ tiêu bắt buộc mà HĐQT giao cho Ban điều hành. Còn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến phấn đấu đạt khoảng 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có khó khăn chung, thì không chỉ với doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác, mà ngân hàng cũng phải đối mặt với thách thức. Do đó, kết quả đạt được trong hoạt động không phải lúc nào cũng ở mức cao, nên theo tôi, chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng nêu trên là ở mức chấp nhận được.


 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn