Eximbank vào Sacombank: Thâm nhập hoà bình sẽ tốt hơn thâu tóm thù địch

Thứ tư, 22/02/2012, 11:04
Sacombank, sau khi gặp Eximbank, dường như vẫn không tin tỷ lệ sở hữu mà Eximbank đang đại diện và đang nỗ lực tự vệ bằng cách tìm kiếm sự uỷ quyền từ những cổ đông nhỏ lẻ và sự tư vấn của luật sư.



Đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, phía liên minh Eximbank đã không đưa ra được văn bản thể hiện sự đồng ý uỷ quyền đại diện cho hơn 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank. Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT của Eximbank lại cho biết Eximbank đã không cung cấp văn bản quan trọng này cho Sacombank.

Bên tám lạng người nửa cân

Ông Dũng khẳng định đó là một con số chính xác, và ông đã kiểm tra kỹ lưỡng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quyền lợi ở Sacombank trước khi đặt bút ký văn bản. “Đó là tỷ lệ sở hữu của những người sở hữu cổ phiếu lâu dài, chứ không phải là mua chớp nhoáng. Và nhóm này đã uỷ quyền cho Eximbank đàm phán trực tiếp”, ông Dũng nói. “Tôi cũng quan ngại việc Sacombank có thể chuyển nhượng tài sản trong thời gian này, nên trong văn bản gởi họ đã lưu ý việc đó”, ông cho biết thêm.

Theo các nguồn tin, tỷ lệ đang nắm giữ của nhóm quyền lợi này là khá chắc chắn. Theo ông Dũng, họ đang nắm hơn 51%, và trong đó có 17% tỷ lệ nắm giữ trên sáu tháng. Ông cho hay đã tham khảo ý kiến luật sư và các yêu cầu đều phù hợp với quy định của luật Doanh nghiệp và điều lệ của Sacombank. Song, chiếu theo các quy định, thì với thời gian nắm giữ này, nhóm quyền lợi chỉ có thể bầu được từ 1 – 2 người vào HĐQT, tỷ lệ quá nhỏ để có thể làm nên bức tranh họ muốn thay đổi ở Sacombank. Nên dù lấy lý do HĐQT hiện tại chỉ đại diện cho một nhóm thiểu số cổ đông, hiện vẫn chưa đủ tính pháp lý để nhóm quyền lợi đi đến một cuộc bầu lại toàn bộ HĐQT.

Sacombank, sau khi gặp Eximbank, dường như vẫn không tin vào tỷ lệ sở hữu mà Eximbank cho là mình đang đại diện và đang nỗ lực tự vệ bằng cách tìm kiếm sự uỷ quyền từ những cổ đông nhỏ lẻ và sự tư vấn của luật sư. Bởi, với chiều dài hơn 20 năm phát triển, nhiều lãnh đạo ở Sacombank đã gắn bó với ngân hàng này, thì dễ hiểu khi họ không dễ dàng buông tay.

Thâm nhập hoà bình, đôi bên cùng lợi

Theo ông Lê Hùng Dũng, qua hai lần đến trụ sở Sacombank để gặp ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Sacombank, ông đã thể hiện thái độ thiện chí, hợp tác. “Không ai có lợi khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong một thương vụ đầu tư. Chúng tôi muốn tiến hành trong thiện chí để sao cổ đông hai bên đều có lợi, ngân hàng phát triển vững chắc, lâu dài”, ông nói.

Sacombank là ngân hàng có chiều dài phát triển và lớn mạnh khá nhanh chóng so với các ngân hàng cùng thời. Tuy vậy, cùng theo đó, chung quanh nó có những công ty gia đình, công ty con mà ở những ngân hàng khác như ACB hay Eximbank không dễ thấy. Chính vì vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự quản trị minh bạch cũng như việc phân phối vốn của HĐQT Sacombank đối với những “vệ tinh” này.

Đó là lý do mà các nguồn tin cho rằng nhóm quyền lợi đã dùng để làm áp lực với Sacombank. Điều này cũng có thể lý giải, nếu muốn đến trong thiện chí, họ có nhiều cách để đi, song cách mà một tổ chức chuyên nghiệp như Eximbank chọn dường như đang gây một sự bất an đến Sacombank.

Theo TS Lê Đạt Chí (trưởng bộ môn tài chính, đại học Kinh tế TP.HCM), nhóm cổ đông đòi hỏi lợi nhuận năm nay của Sacombank phải cao hơn, khi các nhà đầu tư tổ chức đều hiểu rằng, lợi nhuận của một ngân hàng có thể được hạch toán vào thời điểm này hay thời điểm khác; hơn nữa, nhà đầu tư tổ chức không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Hơn nữa, các nhà đầu tư khi chào mua, họ đến với mục đích rất rõ ràng. Còn đến nay, Sacombank vẫn chưa biết liên minh này đến với mục đích gì, lợi ích của họ gắn với 51% như thế nào, liệu họ có thâu tóm rồi bán cổ phần đi mà không ai hay biết, trong khi ở phía bên kia, giao dịch của gia đình ông Thành và thành viên Sacombank được thông tin khá rõ.

Ngoài ra, hai lý do Eximbank lo ngại về HĐQT là khó hiểu. Nếu như không thoả mãn với lợi nhuận kế hoạch 2012 Sacombank đề ra, họ có thể để Sacombank giải trình với cổ đông lý do và đại hội cổ đông sẽ quyết định. Đồng thời, việc bán đi 100 triệu cổ phiếu quỹ là khó thể, vì theo luật định, cổ phiếu quỹ phải được giữ đủ sáu tháng mới được bán, trong khi Sacombank mới mua xong chưa lâu. “Nếu thực sự nắm hơn 51% và có thiện chí đưa Sacombank lớn mạnh hơn, nhóm quyền lợi sẽ có thể chọn cách làm việc khác”, ông Chí nói.
Thị trường vẫn còn chưa quên vụ thâu tóm thù địch của Bình Thiên An đối với Descon trong năm 2010, mà đến nay Descon vẫn còn bất ổn và lao đao. Làm Sacombank bất ổn là điều không có lợi cho cổ đông và thị trường.

Vào năm 2008, Eximbank từng đối mặt với những cổ đông mới trong đại hội đồng cổ đông của mình. Đó là những người có liên quan đến ngân hàng ACB, mà ước lượng tỷ lệ những người này đang sở hữu tại Eximbank khoảng 35%, cũng từng phủ quyết kế hoạch lợi nhuận mà họ cho là không phù hợp với tiềm lực của Eximbank. Từ năm 2008 đến nay, Eximbank đã có sự phát triển khá ngoạn mục. Vì vậy, thị trường vẫn mong đợi những cổ đông mới sẽ thổi một luồng gió mới vào Sacombank với sự thâm nhập trong hoà bình, chứ không phải là thâu tóm thù địch.



Theo SGTT

Các tin cũ hơn