Giải pháp nào cho ngành xi măng năm 2012?

Thứ ba, 21/02/2012, 15:23
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, doanh nghiệp cần phải thực hiện tái cơ cấu theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; phải giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là kích cầu nội địa.

ảnh internet
 

Việt Nam là một trong những nước có điều kiện tốt nhất để sản xuất xi măng, với hàng tỷ tấn đá vôi có hàm lượng CaCO3 cao, có đầy đủ đất sét và các loại phụ gia đảm bảo chất lượng cho sản xuất clinker.

Bên cạnh đó, là đội ngũ đông đảo các nhà chuyên môn, cán bộ và công nhân đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Vì vậy, không thể để thiếu xi măng cho nhu cầu xây dựng.

Trong thời kỳ bao cấp, Việt Nam luôn thiếu xi măng, tuy rằng khối lượng xây dựng vào thời gian đó rất nhỏ. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì cân đối cung - cầu xi măng đã được cải thiện. Tuy nhiên, do đặc thù của các dự án xi măng thường có yêu cầu lớn về vốn, thời gian dài để thực hiện, nên việc cân đối cung - cầu không thể thực hiện được trong một sớm một chiều.

Trong hơn 20 năm qua, ngành xi măng đã trải qua những biến cố theo quy luật cung-cầu. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, chúng ta thiếu xi măng. Nhưng giữa những năm 90, chúng ta thừa xi măng. Từ năm 1998, chúng ta lại thiếu và phải chứng kiến nhiều trận sốt xi măng. Nay do những ảnh hưởng của những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới, đất nước phải thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công, khiến mức tăng về nhu cầu xây dựng giảm. Tình trạng đó đã làm cho các nhà sản xuất xi măng gặp rất nhiều khó khăn.

Do những khó khăn đó mà việc đầu tư tiếp các dự án mới không còn thuận lợi vào thời điểm này. Và như vậy, vào một thời điểm không xa, có thể sẽ lại thiếu xi măng. Điều đó hoàn toàn có cơ sở, vì nhu cầu xây dựng nhà ở, công nghiệp, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hộị đang rất lớn. Quản lý tốt Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng cũng như thực hiện nghiêm các giải pháp quy hoạch, sẽ hạn chế được những biến cố có thể xảy ra.

Có thể nói, năm 2011, các doanh nghiệp xi măng đã phải “oằn mình” để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, những số liệu thống kê sẽ giúp chúng ta đánh giá xác thực hơn. Năm 2011, cả nước tiêu thụ nội địa xấp xỉ 50 triệu tấn xi măng. Tiêu thụ nội địa giảm 1 triệu tấn, nhưng đã giảm nhập khẩu clinker từ 2 triệu tấn năm 2010 xuống còn 1,2 triệu tấn năm 2011. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, hợp lý hoá trong khâu vận chuyển, khắc phục những hạn chế về hoạt động bốc xếp hay logistics để tăng cường xuất khẩu sản phẩm xi măng. Nhờ vậy, năm 2011 cả ngành đã xuất khẩu được trên 5,5 triệu tấn sản phẩm xi măng (chủ yếu là klinker).

Đến cuối năm 2011, tổng công suất các dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước là 65,5 triệu tấn. Như vậy, công suất hiện có đã được khai thác tới 86%. Trong điều kiện khó khăn như năm 2011, đây là cố gắng lớn của toàn ngành.

Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và các nước trong khu vực vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của nước ta. Nhà nước vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng. Trước tình hình đó toàn ngành và mỗi doanh nghiệp sản xuất xi măng phải thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP mới đây của Chính phủ. Trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng đã định hướng: “Khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn từ các dự án xi măng hiện có bằng các hình thức phù hợp”.

Hai là, giảm giá thành sản phẩm. Trong điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp đã và phải tiếp tục có những cải tiến về kỹ thuật và quản lý; hợp lý hoá trong mọi khâu sản xuất, cũng như tiêu thụ nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm trong lúc này cũng có ý nghĩa rất lớn. Nó làm giảm áp lực về cung tại thị trường trong nước, giúp các doanh nghiệp duy trì được sản xuất, có được tiền về để trả nợ… Lượng ngoại tệ được chuyển về còn có ý nghĩa trong việc chống nhập siêu.

Ba là, thực hiện kích cầu nội địa. Đây là giải pháp quan trọng và căn cơ. Hiện tại và trong những năm tiếp theo, đầu tư cho hạ tầng giao thông là công việc vẫn đang được ưu tiên. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã sẵn sàng và đang tích cực chuẩn bị cho việc thực hiện dự án đường quốc lộ, trong đó có đường cao tốc bằng bê tông xi măng.

Những kinh nghiệm thu được qua thử thách khó khăn của năm 2011 sẽ góp phần giúp doanh nghiệp xi măng đối phó hữu hiệu hơn với những khó khăn lớn.

Một giải pháp khác là, vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 40/BXD-VLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cấp phép đầu tư các dự án xi măng mới. Theo nội dung công văn này, Bộ Xây dựng sẽ điều chỉnh thời điểm cấp phép đầu tư cho một số dự án mới.

Theo Báo Đầu tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích