"Chất lượng kém, đầu mối xăng dầu phải chịu lỗi"

Thứ ba, 21/02/2012, 13:18
Các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình từ nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ.



ảnh internet

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối cũng như đại lý phân phối. Bộ cho rằng, đầu mối quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hệ thống phân phối, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như đầu mối, tổng đại lý, đại lý chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xăng dầu của mình.

Các doanh nghiệp đầu mối phải chịu lỗi về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối từ nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ. Đơn vị đầu mối phải rà soát, hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng từng khâu từ nhập khẩu đến bán lẻ. Các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm giám sát các khâu nhất là vận chuyển từ tổng kho về đại lý và từ các đại lý đến cửa hàng bán lẻ.

Vụ Thị trường trong nước làm đơn vị đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan đến kinh doanh xăng dầu như giá, chi phí lưu thông, hoa hồng, đại lý.

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương ra soát chính sách pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến xuất khẩu, lưu thông các hóa chất phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Đối với mặt hàng gas, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị về chính sách tỷ giá để bảo đảm sự chủ động của doanh nghiệp trong nhập khẩu gas, không quá tập trung vào một đầu mối để tránh rủi ro.

Cục Quản lý thị trường cùng với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khí dầu mỏ hóa lỏng, ngăn chặn trường hợp nạp gas lậu. Tổng cục Năng lượng chỉ đạo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp về việc đấu giá gas sản xuất nội địa.

Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố trung ương đã xử lý 237 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,685 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.


Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn