Tại Lễ ký bản cam kết thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí năm 2012 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được tổ chức sáng 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu khá rõ nét đối với chính sách điều hành giá của 3 mặt hàng đó là: điện, than và xăng dầu.
Theo Bộ trưởng, giá năng lượng trên thế giới gần đây tăng mạnh do thời tiết khắc nghiệt ở Châu Âu cũng như căng thẳng ở Vùng Vịnh. Trong khi đó, việc thua lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN có nguyên nhân từ chính sách điều hành giá. “Chúng ta phải kiên quyết điều hành giá theo cơ chế thị trường.” – người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.
Lộ trình đến năm 2013, muộn nhất, các mặt hàng điện, than, xăng dầu cơ bản được điều hành theo nguyên tắc thị trường. Điều đó có nghĩa rằng giá điện sẽ tiếp tục tăng để bù đắp chi phí một cách hợp lý cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng.
Giá điện sẽ tiếp tục tăng (ảnh minh họa)
Không chỉ điện, xăng dầu và than cũng tương tự. “Chúng ta không thể bao cấp tràn lan và phải bù chéo như hiện nay” – Bộ trưởng nói.
Lý giải cho những khó khăn trong chính sách điều hành kinh tế, Bộ trưởng cho biết, có 2 mục tiêu quan trọng đó là một mặt thì phải tiến theo cơ chế thị trường, mặt khác lại phải giảm lạm phát xuống hai con số. Thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc là quá khó vì chúng gần như trái ngược với nhau.
Có thể lấy ví dụ ngay từ việc tăng giá điện. Theo tính toán, cứ tăng khoảng 5% giá điện sẽ tác động trực tiếp gần 0,4% CPI. Nếu thực hiện mục tiêu lạm phát khoảng 9%/năm, mà 2 tháng đầu năm ước tính 2,5%, vậy chỉ còn 6,5% cho những tháng còn lại, khi các mặt hàng như điện, xăng, than luôn chịu áp lực tăng giá. “Nếu chúng ta điều chỉnh dồn dập thì tác động tới xã hội sẽ rất lớn.” – Bộ trưởng khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để giảm bớt áp lực trên, thì việc thực hiện tiết giảm chi phí trong tập đoàn EVN nói riêng và các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác nói chung sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Nhất là năm 2012 được dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2011, các thành phần kinh tế muốn tồn tại phải nâng cao khả năng quản trị, trong đó có quản trị về tài chính.
Lãnh đạo EVN cho biết mục tiêu trong năm 2012 của Tập đoàn là sẽ triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, điện, nước, đi công tác… (162 tỷ đồng); giảm 0,2% điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối (330 tỷ đồng); và đặc biệt là giảm khoảng 1% sản lượng điện tiêu dùng xã hội (tương đương 1 tỷ kWh, giảm chi phí sản xuất điện được khoảng 1.300 tỷ đồng).
Theo Dantri