Lãi suất huy động vàng sẽ là bao nhiêu?

Thứ ba, 21/02/2012, 13:59
Đề án huy động vàng trong dân đang được NHNN trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo hướng tận dụng nguồn lực từ 300-500 tấn vàng (tương đương 18-30 tỷ USD) trong dân.


Đây được coi là đề án đa mục tiêu, vừa hướng tới quản lý thị trường vàng vừa khơi thông nguồn lực trong dân, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
 

Huy động vàng trong dân để phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường vàng và tận dụng nguồn lực để phát triển kinh tế.


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu đề án được thông qua sẽ có tác động rất lớn đến sự biến động của USD, giảm áp lực tỷ giá, bởi tỷ giá ngoại tệ biến động cùng với giá vàng, thường khi giá vàng lên thì tỷ giá cũng tăng. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế càng tăng thì tỷ giá ngoại tệ cũng biến động theo. Nếu huy động được nguồn vàng trong dân, thị trường vàng ổn định, thị trường ngoại tệ cũng được giữ vững và tiền Đồng cũng tốt hơn.

Việc huy động vàng, tiền hay bất kỳ một ngoại tệ nào khác thì vấn đề thanh khoản là điều mà người dân quan tâm. Với sự căng thẳng trong thanh khoản của một số NHTM thời gian qua, thêm vào đó khả năng sáp nhập sẽ diễn ra trong thời gian tới cũng khiến người dân e ngại khi đem tài sản tích góp cả đời của mình gửi vào ngân hàng để đổi lấy một tờ giấy có thể bị hư hại hay làm mất bất cứ lúc nào.

Vấn đề là làm sao để người dân yên tâm khi gửi vàng, có thể dễ dàng gửi và rút, dễ dàng mua và bán với mức giá hợp lý mà người dân có thể chấp nhận được. Dù đó là một tờ giấy, khi cần vẫn có thể bán lại được giống như bán vàng vậy.

Bên cạnh thanh khoản là vấn đề lãi suất. Lãi suất huy động bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như  đảm bảo khả năng chi trả của nhà nước là việc mà NHNN phải cân nhắc.

Giả sử lãi suất huy động vàng  là khoảng 2%/năm thì đề án có thể đi vào ngõ cụt vì dân chê thấp không gửi, còn nếu cao hơn thì NHNN sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, vì 500 tấn vàng là con số không nhỏ.

Câu hỏi về lãi suất huy động cao hay thấp, phù hợp hay không chỉ có thể trả lời khi đề án được công bố và hiệu quả thực tế từ việc huy động vàng đem lại.

Tuy dự án còn chưa ra đời nhưng thông tin về dự án thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân cũng như các chuyên gia kinh tế. Theo nhận định của một số chuyên gia thì đây là một dự án khả thi và mong muốn dự án được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, toàn diện để sớm có thể ban hành, từng bước thay đổi được tập quán tích trữ vàng trong nhà của người dân, tránh gây lãng phí.

Và nếu như NHNN thành công trong việc huy động và chuyển số nguồn lực trên thành một nguồn vốn và được sử dụng hiệu quả trong nền kinh tế thì sẽ mang lại những lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, xã hội, dân sinh.

Tuy nhiên, việc huy động 300-500 tấn vàng hiện có trong dân không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo, để chứng chỉ vàng đi vào cuộc sống, ít nhất cũng phải mất tới 3 năm.

 

Hiện lãi suất huy động vàng cao nhất đang thuộc về SCB với mức lãi suất 3,5%/năm cho các kỳ hạn từ 3 tháng.

Eximbank: 3%/năm đối với kỳ hạn gửi 1-3 tháng nếu tham gia chương trình khuyến mãi. Ở biểu lãi suất thông thường, kỳ hạn gửi 1 tháng sẽ có lãi suất 2,0%/năm; 2 tháng là 2,1%/năm; 3 tháng là 2,2%/năm và 6-12 tháng mức lãi gửi  1,5%.

ACB có cùng mức lãi suất gửi vàng 3%/năm nếu tham gia mua chứng chỉ huy động vàng được lãi suất lên đến 3%/năm. Nếu không tham gia chương trình đặc biệt, mức lãi suất gửi vàng thông thường 1-3 tháng tại ACB từ 2,35-2,45%/năm; các kỳ hạn gửi 6-12 tháng có mức lãi gửi là 1,5-1,6%/năm.

Techcombank, lãi suất huy động 2,1%/năm đối với kỳ hạn 1-3 tháng. Riêng tại khu vực phía Nam, NH này đẩy mức lãi suất vàng lên 2,3%/năm.

DongABank cũng đã tăng sát ngưỡng 3%/năm ở các kỳ hạn gửi 1-3 tháng.

 

Misa (TH)

Các tin cũ hơn