Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chỉ chăm chăm vào kiểm soát khâu chế biến ở các hệ thống nhà máy chế biến thủy sản mà lại buông lỏng khâu khai thác, nuôi trồng.
Đây là điều bất hợp lý, ông Dũng nói tại buổi làm việc giữa Vasep với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chiều ngày 20-2 tại TPHCM. Theo ông, hầu hết các nhà máy chế biến đều đang áp dụng các hệ thống giám sát quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, SQF và đều được các quốc gia nhập khẩu cử đoàn đến kiểm tra. Trong khi đó, khâu nuôi trồng lại đang có nhiều bất cập như thói quen sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát của người dân, bơm chích tạp chất trong nguyên liệu.
“Chúng ta nên làm quen với quản lý theo chuỗi sản xuất nhằm tránh để lọt sản phẩm kém chất lượng. Chế biến không thể độc lập với nuôi trồng và xuất khẩu”, ông Dũng nói.
Riêng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra, lượng doanh nghiệp có đầu tư chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, hình thức doanh nghiệp liên kết với các tổ cung ứng cá nguyên liệu cũng khá phổ biến.
Ông Dũng đánh giá 70% sản lượng cá tra xuất khẩu từ 2 hình thức trên và điều này có thể giúp giảm rủi ro về mặt chất lượng với cá tra. Đối với tôm, mặt hàng thủy sản dự báo có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong năm 2012 là 2,5 tỉ đô la Mỹ, lại khá phụ thuộc vào nguồn mua ngoài nên việc quản lý còn phức tạp.
Ông Phan Thanh Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Việt, Vũng Tàu thì cho rằng chi phí kiểm soát chất lượng, kiểm định đang làm đội giá thành xuất khẩu. Xuất khẩu tôm qua Nhật - một thị trường rất khó tính khiến doanh nghiệp phải tự đầu tư phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chi phí lấy mẫu, kiểm định, cấp chứng nhận đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN&PTNN, một yêu cầu bắt buộc cho lô hàng xuất khẩu, vào khoảng 1 triệu đồng/lô cũng đang là gánh nặng lên doanh nghiệp.
Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc công ty CP thủy sản Thuận Phước cho biết, nếu như doanh thu xuất khẩu năm 2011 của công ty ông là 70 triệu đô la Mỹ thì chi phí dành cho khâu kiểm tra và chứng nhận đã là 300.000 đô la Mỹ.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNN cho biết sẽ nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để giảm bớt gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu.
Ông Tiệp cũng thông tin thêm từ tháng 3 đến tháng 9-2012 Việt Nam sẽ tiếp nhiều đoàn quốc tế qua đánh giá, giám sát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Chuyến công tác qua Việt Nam của đoàn Mỹ vào tháng 5 và Liên minh Châu âu vào tháng 9 là hoạt động định kỳ, trong khi đó đoàn của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sang thanh tra 28 cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị của nước ta xuất khẩu sang Hàn. Trong khi đó, đoàn công tác của phía Nga lại quan tâm đến thực trạng nhiễm vi sinh trong thủy sản xuất khẩu qua Nga.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết bộ sẽ tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu.
“Bộ sẽ tăng cường quản lý theo chuỗi, thống kê tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, vật tư để đưa vào danh sách quản lý, xử lý khi có vi phạm. Đồng thời sẽ tiến hành phân loại doanh nghiệp theo mức độ khả năng quản lý chất lượng. Từ đó sẽ tăng cường kiểm soát với những doanh nghiệp không đáp ứng”, ông nhấn mạnh.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn