Thị trường hào hứng ngay từ khi mở cửa, nhưng trong vòng 30 phút sau đó, nhà đầu tư như bị dội “gáo nước lạnh” bởi lực bán ra bất ngờ tăng vọt, còn lực cầu gia cao cũng nhanh chóng biến mất. Cổ phiếu lần lượt đảo chiều giảm hoặc quay về mốc tham chiều. Các chỉ số cũng chuyển động theo hướng giảm dần đều. HNX-Index chuyển sang sắc đỏ lúc 9h25 và 5 phút sau đó VN-Index cũng cùng chung số phận.
Trong khi đó, thanh khoản hai sàn không ngừng tăng vọt, đặc biệt tại HNX, lượng chốt lời rất mạnh và dòng tiền bắt đáy cũng không nhỏ.
Dù có vài phút đảo chiều tăng từ sau 10h00, nhưng bên bán mau chóng kiểm soát tình hình và sự điều chỉnh vẫn tiếp tục cho đến hết phiên.
Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng thị trường có thể thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng việc VN-Index và HNX-Index đều chạm ngưỡng kháng cự mạnh 420 điểm và 65 điểm có thể khiến thị trường tiếp tục giằng co thêm một vài phiên để tiêu thụ hết lượng “hàng” bán ra tại vùng giá này.
Theo dõi diễn biến thị trường cho thấy, vẫn có lực cầu nâng đỡ giúp giá cổ phiếu, cũng như các chỉ số không sụt giảm mạnh.
VN-Index cuối phiên mất 3.07 điểm, tương ứng 0.74% xuống 410.91 điểm và HNX-Index chỉ giảm 0.38 điểm, tức khoảng 0.59% xuống 63.89 điểm.
Các chỉ số cổ phiếu xét theo vốn hóa có Large Cap giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 0.67%, tiếp theo là Mid Cap giảm 0.63%, Small Cap rớt 0.37% và Micro Cap lùi 0.04%.
Sàn HOSE vẫn có gần 100 mã chứng khoán tăng giá, với 28 mã tăng trần. Còn lại gồm 131 mã giảm và 66 mã giao dịch ở mức tham chiếu, trong đó có 44 mã rớt sàn.
Tương tự, HNX có 118 mã tăng giá, với 50 mã tăng kịch trần; bên cạnh đó là 156 mã giảm và 121 mã đứng yên.
10h30: Lực bán chốt lời vẫn mạnh
Nỗ lực cứu thị trường gặp “bất trắc” vào cuối phiên khi bên bán tiếp tục ra hàng mạnh khiến các chỉ số một lần nữa đảo chiều giảm, trong khi thanh khoản vẫn tăng mạnh so với vài phiên trước.
Sự sụt giảm của MSN (-1.82%), VNM (-0.54%), STB (-0.52%), EIB, MBB, HPG, DPM, SJS, VSH… làm cho VN30 và VN-Index lần lượt khép lại đợt khớp lệnh liên tục trong sắc đỏ với mức giảm 0.52 điểm và 0.48 điểm.
Những bluechips vẫn tăng giá nhẹ gồm SSI, VCB, REE, CTG, GMD, PVD… Trong khi BVH tăng 3.45% và PVF kịch trần.
Thị trường vẫn giằng co với 79 mã tăng và 118 mã giảm, trong đó 26 mã trần và 35 mã sàn.
Giao dịch đạt hơn 53 triệu đơn vị, trị giá 697 tỷ đồng, trong đó VN30 chiếm 23.43 triệu đơn vị, tương đương 413.34 tỷ đồng
10h00: Hai sàn tiếp tục xanh điểm
Sau thời gian lình xình, giảm nhẹ, lực cầu quay trở lại giúp các chỉ số đảo chiều xanh trở lại sau 10h00. Thanh khoản cũng vượt qua mốc 1,000 tỷ đồng dù vẫn còn gần 1 tiếng giao dịch.
Với sự hỗ trợ của các mã BVH, VNM, SSI, VCB, PVF, HAG, REE, CTG… tăng giá, STB rút ngắn mức giảm và EIB quay về mốc tham chiếu nên đà giảm của thị trường đực chặn đứng.
Lực bán đã giảm hẳn khiến thị trường bật dậy. VN-Index tăng 1.29 điểm (+0.31% lên 415.27 điểm và HNX-Index cũng đảo chiều 0.22 điểm (+0.34%) lên 64.29 điểm.
Thanh khoản của hai sàn đều tăng mạnh, với 44.5 triệu đơn vị tại HOSE, tương ứng 570 tỷ đồng và 58.76 triệu đơn vị tại HNX, trị giá 478 tỷ đồng.
Chỉ riêng hai mã PVX và VND đã có gần 15.5 triệu cổ phiếu chuyển nhượng. Trong khi tại HOSE, ITA, EIB, SSI, IJC là những mã giao dịch mạnh với tổng cộng 10.5 triệu đơn vị.
9h30: Thiếu lực chống đỡ, hai sàn giảm trở lại
Sau thời gian “cầm cự” HNX-Index đảo chiều sang sắc đỏ từ 9h25 và VN-Index cũng “tiến” về sát mốc tham chiếu, khi lực cầu trở nên lưỡng lự, còn bên bán vẫn tung hàng khá mạnh.
HNX-Index giảm nhẹ 0.01 điểm, còn VN-Index duy trì mức tăng 0.74 điểm.
Lúc này, HOSE đã có 81 mã giảm giá, trong đó có MSN giảm đến 2.73%, còn HNX có 55 mã giảm, HBB cũng nằm ở nhóm này. Các mã bluechips còn lại tăng yếu ớt hoặc dừng ở mức tham chiếu.
Trong khi đó, thanh khoản thì không ngừng tăng cao, với 26 triệu đơn vị tại HOSE, tương ứng 327 tỷ đồng, còn HNX đã lên đến trên 38 triệu đơn vị, trị giá khoảng 314 tỷ đồng.
5 phút sau đó, VN-index cũng chính thức giảm 0.43 điểm, xuống 413.55 điểm do có khác nhiều mã trong nhóm VN30 đảo chiều đi xuống như MSN, OGC, KDH, CTG, EIB, QCG, HPG, DPM… tổng cộng là 9 mã.
BVH cũng không giữ nổi mức giá trần mã chỉ tạm tăng 2.59% giá trị, cùng với các mã SSI, VCB, STB.
9h00: Thanh khoản khủng, đà tăng chựng lại
Trong khi thanh khoản thị trường không ngừng tăng lên mức cao “kỷ lục” thì đà tăng của các chỉ số lại thu hẹp đáng kể cho thấy lực cầu đang “nhường sân” lại cho bên bán.
Số lượng các mã cổ phiếu tăng giá, cũng như tăng kịch trần cũng giảm đáng kể.
Thống kê lúc 9h00, sàn HOSE còn khoảng 87 mã tăng giá, với 25 mã tăng kịch trần. Còn lại là 62 mã giảm và 71 mã tham chiếu.
Thanh khoản đạt gần 14 triệu đơn vị, trị giá khoảng 170 tỷ đồng. Trong khi đó, VN-Index chỉ tăng 3.6 điểm, tương ứng 0.87% đạt 417.58 điểm, tức chỉ bằng ½ mức tăng so với thời điểm mở cửa.
Lúc này, BVH vẫn tăng trần để nâng đỡ cho VN-Index, trong khi MSN, VNM, EIB, cùng nhiều bluechips khác quay về mốc tham chiếu. Thậm chí, OGC, DPM, FPT, QCG, HPG, SBT quay đầu giảm nhẹ.
Trên HNX, cùng lúc này có đến 25 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 205 tỷ đồng. Nhưng chỉ số HNX-Index còn tăng 0.39 điểm, tương ứng 0.61%, lùi về dưới 65 điểm.
Mở cửa: Bùng nổ ngay từ phút mở cửa
Thị trường tiếp tục bùng nổ với hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần ngay trong phút mở cửa của phiên giao dịch 21/02. Thanh khoản tăng nhanh chóng, cho thấy đây nhiều khả năng sẽ là một phiên phân phối mạnh.
Thông tin CPI 2 thành phố lớn tháng 2 tăng mạnh hơn dự báo, và thông tin EIB đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT của STB nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư cũng như tốc độ giao dịch của thị trường.
VND tăng kịch trần và đạt trên 1 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ trong vòng 2 phút mở cửa. Ít phút sau đó, PVX cũng đạt gần 2 triệu đơn vị chuyển nhượng. Hàng loạt mã vốn hóa lớn của HNX tăng kịch trần và dư bán ở trong tình trạng trống trải.
8h40, HNX đã có gần 8.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá khoảng 68 tỷ đồng, toàn sàn có 134 mã tăng giá.
Chỉ số HNX-Index tăng 1.57 điểm, tức 2.44% lên 65.84 điểm.
HOSE chưa khớp hết đợt khớp lệnh thứ nhất, nhưng mức tăng tạm tính của VN-Index đã đạt hơn 10 điểm, lên trên 424 điểm so với tham chiếu.
Đến phút khớp lệnh mở cửa (8h45), VN-Index xác định mức tăng 7.83 điểm, tương ứng 1.89% lên 421.81 điểm.
Các mã bluechips tạm tăng kịch trần trước đó như VCB, STB, SSI, EIB và nhiều bluechips khác tạm thời thu hẹp biên độ, ngoại trừ BVH, IJC, PVF, REE, ITA vẫn tăng hết biên độ dù một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2011.
Toàn sàn lúc này có 116 mã tăng giá, 23 mã giảm và 38 mã đứng yên. Trong đó có 50 mã tăng trần và 6 mã giảm sàn gồm SPM, ST8, ATA, DTA, CMX và RIC.
Thanh khoản đạt gần 6 triệu đơn vị, tương đương 70 tỷ đồng. LCG, IJC, NVT, ITA, SSI là những mã có khớp lệnh nhiều nhất, đồng thời cũng tăng hết biên độ.
Trong khi đó, HNX-Index tạm tăng 1.41 điểm, tương ứng 2.16% đạt 65.68 điểm. Toàn sàn đã có gần 12 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 95 tỷ đồng. Chỉ riêng PVX đã đạt gần 2.4 triệu đơn vị, VND hơn 1.5 triệu đơn vị. Các mã khác như KLS, HBB, SHB đều đạt trên 600 ngàn đơn vị mỗi mã.
Trên bảng điện tử đã có 150 mã tăng giá, 10 mã giảm và 234 mã đứng yên. Trong đó, 68 mã tăng kịch trần và 4 mã giảm sàn.
Theo Vietstock