Giải pháp căn cơ cho bài toán thanh khoản

Thứ ba, 21/02/2012, 10:35
Nền kinh tế của chúng ta đã chứng kiến triền miên những cuộc chạy đua lãi suất ở các NHTM. Gốc rễ của vấn đề ở đâu?



ảnh internet


Nguyên nhân: Quy định không chặt trong giao dịch tiền gửi

Thông thường, căn cứ vào thời hạn cho vay, các ngân hàng đưa ra các kỳ hạn huy động phù hợp, hoặc căn cứ vào các kỳ hạn huy động mà ngân hàng tính toán các kỳ hạn cho vay. Các ngân hàng phải đảm bảo sao cho số tiền huy động và kỳ hạn của nó khớp với số tiền và kỳ hạn cho vay. Ngân hàng chí ít phải đảm bảo rằng, khoản tiền huy động phải có thời hạn đủ dài để có thể cho vay đến khi món vay đáo hạn. Nếu kỳ hạn huy động ngắn hơn kỳ hạn cho vay thì ngân hàng rất dễ bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Xem xét trường hợp đơn giản: Ngân hàng A huy động và cho vay với cùng một kỳ hạn Tuy nhiên, khi thời gian cho vay chưa hết hạn, người gửi tiền lại yêu cầu rút tiền ra. Có nhiều lý do cho việc này: có thể vì cần tiền giữa chừng hoặc thấy ngân hàng khác (Ngân hàng B) chèo kéo với lãi suất cao hơn. Đã vậy, khi bị rút tiền trước hạn, vỡ kế hoạch cho vay, Ngân hàng A lại vẫn phải trả cho người gửi lãi suất thấp nhất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Và hãy hình dung, sau khi vừa rút tiền ra để gửi vào Ngân hàng B, lại có ngân hàng C chào với lãi suất cao hơn, người gửi tiền sẽ lại vô tư rút tiền sang gửi ngân hàng mới. Cứ như vậy, các ngân hàng tự đẩy nhau vào cuộc khủng hoảng thanh khoản mà chạy đua lãi suất chỉ là hiện tượng.

Trong những quan hệ kinh tế thông thường, các điều khoản hợp đồng bao giờ cũng có quy định để mỗi bên không thể tự động đơn phương hủy hợp đồng, gây thiệt hại cho bên khác mà không có nghĩa vụ bồi thường thỏa đáng. Thế nhưng, trong các giao dịch giữa các ngân hàng thương mại với người gửi tiền lại không có quy định như vậy. Các ngân hàng chưa có quy định (hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức) để người gửi tiền có trách nhiệm để nguyên khoản tiền đến hết kỳ hạn mới được rút. Và như vậy, khủng hoảng thanh khoản cùng với các cuộc chạy đua lãi suất chỉ là hệ quả tất yếu.

Giải pháp: Áp dụng lãi phạt (phí rút tiền trước hạn)

Khi chi phí phạt huỷ hợp đồng đủ lớn và việc giao kết hợp đồng được pháp luật bảo đảm, các bên tham gia hợp đồng sẽ phải cân nhắc kỹ càng với quyết định huỷ hợp đồng của mình.

Để xử lý căn bệnh chạy đua lãi suất và khủng hoảng thanh khoản của các ngân hàng thương mại, chỉ cần áp dụng nguyên tắc rất thông thường trong giao dịch như trên. Để ngân hàng không rơi vào vào tình trạng mất thanh khoản, cần có quy định để người gửi tiền không tùy tiện rút tiền trước hạn, chẳng hạn như sẽ bị phạt hay trả phí. Tiền phạt (mức phí) sẽ được tính toán ở mức nào đó để ngân hàng có thể bù vào chi phí tìm kiếm người gửi tiền khác.

Hình thức thứ hai, để rút được số tiền trước hạn, người gửi tiền cũng có thể mang quyển sổ tiết kiệm của mình đến cầm cố để vay lại đúng bằng số tiền mình đã gửi. Trường hợp này, người gửi tiền có thể cầm cố tại chính ngân hàng mà họ gửi hoặc đến một ngân hàng khác. Ngân hàng sẽ căn cứ vào chính sách cho vay hiện hành (xem xét cả mức độ tin cậy của tài sản cầm cố và mối quan hệ với khách hàng) mà quyết định mức lãi suất cho vay.

Cách đây 5 - 7 năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hướng dẫn các ngân hàng thương mại sử dụng lãi phạt để tránh tình trạng người gửi tùy tiện hủy bỏ kỳ hạn gửi tiền. Nhưng điều đáng nói là quy định này chỉ mang tính gợi ý, cho phép các ngân hàng thương mại làm, chứ không hề bắt buộc.

Còn các NHTM không ai dám đơn thương độc mã áp dụng cách thức này đối với khách hàng gửi tiền của mình. Họ sợ làm như vậy sẽ làm kém đi khả năng cạnh tranh so với đối thủ, làm như vậy thì mất khách. Thế nên, không ai làm cả và tất cả đều quay lại cách thức cũ: chiều khách đến mức thái quá (nếu nhìn từ góc độ các quan hệ kinh tế). Hệ quả là các ngân hàng tự đẩy nhau vào các cuộc chạy đua lãi suất và khủng hoảng thanh khoản triền miên.

Để cho các ngân hàng tự lựa chọn thay đổi chính sách cũ của mình cũng như thói quen cũ của người gửi tiền là không ổn. Việc này cần phải có bàn tay áp đặt của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước phải có quy định bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng quy định “phạt” đối với trường hợp rút tiền trước hạn hoặc muốn lấy lại tiền trước hạn thì dùng sổ chưa đến hạn đó để cầm cố, chiết khấu. Chỉ khi tất cả các ngân hàng cùng thực hiện quy định trên thì điều này thì mới ngăn chặn một cách căn cơ các cơn sốt chạy đua lãi suất và khủng hoảng thanh khoản.

Bên cạnh việc NHNN cần phải có quyết định thúc ép các ngân hàng thương mại thực hiện quy định đảm bảo an ninh thanh khoản, NHNN cần cùng với các NHTM tăng cường truyền thông để người dân hiểu và quen với quy định này như một quy luật tất yếu trong các mối quan hệ kinh tế. Khi quy định trên đi vào thực tế, không chỉ NHTM được lợi, doanh nghiệp cũng lợi và nền tài chính của chúng ta sẽ mạnh khỏe hơn.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn