Năm hạn của ngân hàng Sacombank

Thứ ba, 21/02/2012, 08:57
Hàng loạt cổ đông thoái vốn và hiện vẫn tiếp tục những tranh cãi chưa ngã ngũ trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2011.



ảnh internet

Một năm “sóng gió”

Chỉ mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) còn được tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới là Standard & Poor's và Moody’s đánh giá các chỉ tiêu tín dụng đầy khả quan. Nay “sóng gió” đang nổi lên tại Saconbank.

“Miệt mài” xây dựng và mở rộng mạng lưới với hơn 400 điểm giao dịch tại 47/63 tỉnh, thành tại Việt Nam và cả Lào, Campuchia, Sacombank vẫn bị nhiều chỉ trích rằng đã đổ vốn quá nhiều vào cơ sở hạ tầng thay vì đi thuê như nhiều ngân hàng khác.

Không chỉ vậy, giữa năm 2011, Sacombank “đau đầu” vì tin đồn có nguy cơ bị thâu tóm, khi Sacombank liên tiếp thu gom cổ phiếu STB của chính mình một cách khó hiểu.

Tính đến cuối năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Sacombank tuy tăng 13% so với năm 2010, với mức là 2.740 tỷ đồng, nhưng vẫn nhiều lĩnh vực trong đó Sacombank phải chịu lỗ nặng.

Tính đến ngày 31/12/2011 Sacombank đầu tư 24.368 tỷ đồng vào cổ phiếu, chiếm 17,3% tổng tài sản. Giá trị đầu tư chứng khoán của Sacombank tăng khoảng 3.250 tỷ đồng và tỷ lệ đầu tư chứng khoán/tổng tài sản cũng cao hơn mức 14,8% của cùng kỳ năm 2010.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho vay khách hàng chỉ tăng khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 1,28%), đạt gần 77.670 tỷ đồng.

Mới đây (ngày 20/2), Sacombank đã có văn bản giải trình báo cáo tài chính riêng quý 4/2011 với Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM. Trong đó có các khoản mục như thu nhập từ chứng khoán giảm 231 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 170 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2011 (Tháng 8/2011), Sacombank chịu biến động do một số cổ đông lớn rút lui. Dragon Capital chính thức thoái 6,66% vốn tại Sacombank, bán ra gần 61 triệu cổ phiếu STB sau 10 năm nắm giữ.

Chỉ trong khoảng thời gian ngày 2-7 tháng 11/2011 Công ty Chứng khoán SBS đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu SBT nắm giữ. Đến ngày 19/12, Sacomreal tuyên bố rút toàn bộ vốn đang nắm giữ tại Sacombank (hơn 22 triệu cổ phiếu). Sau Công ty Chứng khoán SBS, Sacomreal là công ty con thứ hai thoái vốn tại ngân hàng mẹ Sacombank.

Ngay sau khi Sacomreal thoái vốn, thị trường lại rộ lên tin đồn Credit Suisse mua cổ phần của Ngân hàng Sacombank. Một số cổ đông đồ rằng, sự tham gia của Credit Suisse vào cơ cấu cổ đông của Sacombank vào lúc này là không bình thường. Hiện tại cổ đông nước ngoài đã nắm giữ 26% cổ phần Sacombank, nghĩa là chỉ còn 4% tỉ lệ vốn góp dành cho cổ đông nước ngoài, trong khi Sacombank có ý định bán cho Credit Suisse 15% cổ phần. Sacombank sẽ phải cấu trúc lại cơ cấu cổ đông mới có chỗ cho Credit Suisse.

Mới đây (16/2), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Văn Thành cho biết, trong năm 2012,  Sacombank sẽ tăng thêm 17% vốn điều lệ (khoảng 1.700 tỉ đồng) để nâng vốn điều lệ từ 10.047 tỉ đồng lên hơn 11.700 tỉ đồng. Riêng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ luôn ở mức 3.000 tỉ đồng. HĐQT nhiệm kỳ 2011-2015 sẽ tiếp tục điều hành Sacombank hoạt động theo hướng bền vững.

Về cơ sở hạ tầng, ông Thành cho biết trong số 400 phòng giao dịch, chi nhánh trên toàn quốc có đến 80% là tài sản của ngân hàng. Dự kiến năm 2012, Sacombank sẽ thu về 3.500 tỉ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Eximbank (Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam)- một cổ đông lớn  của Sacombank, sở hữu 9,73% vốn điều lệ của Sacombank, đồng thời cũng được ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) tại Sacombank, có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Trưởng ban kiểm soát Sacombank về một số nội dung chương trình đại hội cổ đông thường niên của Sacombank năm tài chính 2011.Trong đó đề nghị Sacombank phải bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát.

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT của Eximbank cũng đề nghị Sacombank điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 trình đại hội cổ đông. Trong đó chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch 2012 phải đạt ít nhất 4.025 tỷ đồng, tăng thêm ít nhất 15% so với kế hoạch dự kiến báo cáo là 3.500 tỷ đồng

Sacombank không phù hợp với cổ đông “lướt sóng”

Dù chưa có câu trả lời cho những đề nghị trên của Eximbank, nhưng trả lời trên SGĐTTC, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT cũng đã nói khá rõ quan điểm.

Một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tất yếu cổ đông sẽ biến động thường xuyên, chốt danh sách và sau khi chốt danh sách khác nhau về mặt nghĩa vụ và quyền lợi. Việc Đại hội đồng cổ đông có sự thay đổi về cổ đông cũng được thể hiện đúng theo điều lệ của ngân hàng.

Nếu cổ đông thấy đủ điều kiện ứng cử, Sacombank sẵn sàng tổ chức theo đúng quy định và tỷ lệ ứng cử như thế nào là do đối vốn. Quyền cổ đông phải tôn trọng, cũng giống như tôn trọng trước khi chốt danh sách và sau khi chốt danh sách. Ví dụ, trước đó đã bầu Hội đồng quản trị thì cổ đông mua sau cũng phải tôn trọng quyết định của cổ đông trước.

Nói về việc cơ sở hạ tầng, ông Thành cho rằng, " Chiến lược của STB phù hợp với cổ đông gắn bó chứ không phù hợp với cổ đông “lướt sóng”. Chính vì vậy, STB có tích sản rất lớn, đến nay chúng tôi chưa định giá lại nhưng tính sơ cũng phải vài ngàn tỷ đồng”.


Theo VnMedia

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn