Điều gì đang chi phối phong vũ biểu kinh tế Mỹ?

Thứ hai, 20/02/2012, 14:51
Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall, phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ, đã biến động khá mạnh. Có thời điểm, các chỉ số chính chạm mức rất cao trong nhiều tháng, nhưng có lúc lại chìm lỉm xuống sâu khiến nhiều người bất an. Tuy nhiên, tựu chung cả tuần, các chỉ số đều đạt mức tăng ấn tượng.


 

Mở đầu tuần giao dịch, thị trường chứng khoán Mỹ trở lại quỹ đạo tăng điểm vốn đã mất từ cuối tuần trước đó, khi những lo lắng về nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia của Hy Lạp được đẩy lùi. Mặc dù biên độ tăng của các chỉ số chính không lớn, nhưng cũng đủ để kéo lại phần lớn những gì đã mất trong phiên chốt tuần 10/2.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 72,81 điểm, tương ứng 0,6%, lên 12.874,04 điểm, cách mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 khoảng 16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,13 điểm, tương ứng 0,7%, lên 1.351,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 27,51 điểm, tương ứng 1%, lên 2.931,39 điểm.

Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên này là việc Quốc hội Hy Lạp thông qua biện pháp khắc khổ mới, nhằm đổi lại gói tài chính giải cứu thứ hai của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin về khả năng ổn định của thị trường rủi ro này.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, 24 giờ sau đó, thị trường chứng khoán Mỹ dứt đà hưng phấn và liên tục trở xấu khi Chủ tịch Khu vực đồng Euro, ông Jean-Claude Juncker thông báo hủy cuộc họp các bộ trưởng bộ tài chính trong khối, thay vào đó bằng một cuộc điện đàm. Hội nghị chính thức dời lại đến ngày 20/2.

Bên cạnh sức ép từ vấn đề Hy Lạp, việc doanh số bán lẻ tháng 1 của Mỹ theo công bố trong ngày thứ ba (14/2) chỉ tăng có 0,4%, thấp hơn một nửa so với mức dự báo trước đó của giới phân tích kinh tế, cũng tác động xấu tới thị trường. Nguyên nhân khiến doanh số bán lẻ tháng 1 của Mỹ giảm là bởi doanh số bán ôtô thấp.

Dẫu vậy, chỉ số Dow Jones đã thoát hiểm vào phút chốt khi lãnh đạo đảng Dân chủ mới bảo thủ của Hy Lạp, ông Antonis Samaras sẽ gửi thư tới các tổ chức sẽ cấp gói tài chính thứ hai cho Hy Lạp. Thông tin này đã làm giảm bớt những lo lắng của giới đầu tư cổ phiếu về khả năng thất bại của vòng đàm phán về cứu Athens.

Nhờ sự đảo chiều thành công này, chốt phiên giao dịch ngày thứ ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 4,24 điểm, tương ứng 0,03%, lên 12.878,28 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 1,27%, tương ứng 0,09%, xuống 1.350,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,44 điểm, tương ứng 0,02%, lên 2.931,83 điểm.

Thị trường chuyển sang ngày thứ 4 với niềm hy vọng lớn hơn, đặc biệt là sau tuyên bố sẽ giải cứu châu Âu của Trung Quốc. Song, hy vọng trở nên mong manh, khi từ châu Âu có tin rằng các bộ trưởng tài chính khu vực chưa có quyết định nào cụ thể, còn tại Mỹ, nhiều quan chức FED đồng tình tiếp tục thực hiện gói QE3.

Chốt phiên giao dịch biến động mạnh này (15/2), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 97,33 điểm, tương ứng 0,76%, xuống 12.780,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,27 điểm, tương ứng 0,54%, xuống còn 1.343,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt 16 điểm, tương ứng 0,55%, xuống chốt ở mức 2.915,83 điểm.

Đáng chú ý trong phiên này, với mức giảm gần 0,8%, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2012 tới nay. Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt 7,38 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức giao dịch trung bình cũng tính từ đầu năm 2012 cho tới nay.

Tuy nhiên, có vẻ như thị trường chứng khoán Mỹ đang trêu ngươi các nhà đầu tư, khi tới phiên kế tiếp ngày 16/2, cả ba chỉ số chính Phố Wall đều bật tăng mạnh trở lại, sau khi xuất hiện một loạt số liệu lạc quan về nền kinh tế Mỹ cũng như những tin tức mới được xem là tốt lành về "công cuộc" giải cứu con nợ Hy Lạp.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 123,21 điểm, tương ứng 0,96%, lên 12.904,16 điểm, cao nhất từ tháng 5/2008. S&P 500 tăng 14,82 điểm, tương ứng 1,1%, lên 1.358,05 điểm, cao nhất từ tháng 5/2011. Nasdaq Composite tiến 44,02 điểm, tương ứng 1,51%, lên 2.959,85 điểm, cao nhất từ tháng 12/2000.

Trong phiên giao dịch này, tại Athens, phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp cho biết, quốc gia châu Âu này đang chờ đợi nhận được sự chấp thuận của các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng Euro để bắt đầu hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân. Theo công bố, quyết định cuối cùng này sẽ được công bố chính thức vào 20/2.

Và cũng nhờ sự lạc quan này, phiên cuối tuần, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục đi lên từ ngưỡng cao đạt được trong phiên liền trước. Trong đó, Dow Jones tăng 46,33 điểm (+0,36%) lên 12.950,33 điểm; S&P 500 cộng 2,74 điểm (+0,2%) lên 1.360,78 điểm; nhưng Nasdaq hạ 8,69 điểm (-0,29%) xuống 2.951,16 điểm.

Như vậy, tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, chỉ số Nasdaq Composite nhảy vọt gần 2%. Trong khi nếu tính từ đầu năm tới nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 6%, chỉ số S&P 500 cộng hơn 8% và chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh tới 13%.

Theo kế hoạch, chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Ngày Tổng thống trong phiên hôm nay (20/2), và theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, phong vũ biểu của kinh tế Mỹ sẽ tăng điểm trong phiên 21/2 nếu cuộc giải cứu Hy Lạp có những chuyển biến lạc quan sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính châu Âu.

Hôm qua, Chính phủ Hy Lạp đã thông qua gói biện pháp khắc khổ cuối cùng mà Liên minh châu Âu  và Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ, làm tăng hy vọng đạt được một thỏa thuận vào tuần tới để Athens tránh vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp sẽ trình lên Quốc hội để thông qua khẩn cấp biện pháp mới này vào ngày 20/2.

Các biện pháp khắc khổ mới cắt giảm các khoản tiền lương và lương hưu cơ bản trị giá 325 triệu Euro nằm trong kế hoạch tiết kiệm 3,3 tỷ Euro trong ngân sách năm nay, là một trong những điều kiện cuối cùng mà các chủ nợ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra để "bật đèn xanh" cho gói cứu trợ mới cho Hy Lạp.

Theo Vneconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn